Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tích cực vì một kỳ thi có nhiều đổi mới

Thống Nhất| 12/06/2015 07:18

(HNM) - Công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT tại Hà Nội đã trải qua những công đoạn quan trọng như xét tuyển, chuẩn bị tổ chức thi, coi thi, phần cuối là chấm thi dự kiến sẽ hoàn thành và công bố cho TS ngày 24-6 tới. Dù là kỳ thi đầu tiên áp dụng quy chế thi mới, song có thể khẳng định,



Ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội: Kết quả thi là nền tảng nâng cao chất lượng


Trước một kỳ thi có nhiều điểm mới, Hà Nội đã tổ chức hội nghị quán triệt đến từng thành viên tham gia tổ chức kỳ thi với các yêu cầu cụ thể ở từng vị trí công việc, từ điểm trưởng của 160 điểm thi, CBCT, cán bộ giám sát, thanh tra lưu động, thanh tra cắm chốt, nhân viên phục vụ… Kỳ thi có tính cạnh tranh cao, đòi hỏi sự nghiêm túc, nhưng thực tế diễn ra tại các điểm thi không có nhiều áp lực, căng thẳng, mà ngược lại, các TS được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để yên tâm, vững tin làm bài. Đó là kết quả từ sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của thành phố, sự vào cuộc nghiêm túc của chính quyền địa phương trong việc tổ chức kỳ thi. Tôi tin rằng, kết quả thi sẽ phản ánh sát với chất lượng giáo dục. Đây là nền tảng để nâng cao chất lượng "đầu vào" ở cấp THPT, đồng thời sẽ tác động trở lại đối với việc dạy và học ở cấp THCS.

Bà Mai Kim Oanh, điểm trưởng điểm thi Trường THPT Trần Phú (quận Hoàn Kiếm): Nhiều điểm mới và khó hơn, song thầy, trò đều "thuộc bài"

Việc áp dụng quy chế thi mới kéo theo những thay đổi trong quy trình thực thi và giám sát chặt chẽ, đòi hỏi các thành viên tham gia, từ giám thị, TS đều phải có trách nhiệm cao hơn. Quy trình thực hiện nhiệm vụ của CBCT thay đổi, quyền hạn của lực lượng thanh tra, giám sát nâng lên, mức xử lý kỷ luật đối với TS có điều chỉnh theo hướng chặt chẽ hơn… song do được tập huấn kỹ, lại thêm khâu sát hạch, nên thầy và trò đều "thuộc bài", thể hiện qua việc không có trường hợp nào vi phạm quy chế thi.

Bà Nguyễn Hồng Luyến, giáo viên Trường THCS Phương Mai (quận Đống Đa): Đề thi ngữ văn gần gũi và có ý nghĩa giáo dục

Hai tác phẩm đề cập trong đề thi đều nằm trong chương trình ngữ văn lớp 9. Các yêu cầu của đề thi tương đối dễ, câu hỏi mạch lạc, rõ ràng, đa phần HS có thể làm được trên 80% yêu cầu của đề thi. Nội dung đề thi gần gũi với thực tế cuộc sống và có ý nghĩa giáo dục đối với TS. Tuy nhiên, để thực hiện tốt yêu cầu của đề thi, ngoài kiến thức đã học trên lớp, các TS cần huy động cả kiến thức xã hội và có chính kiến bản thân. Đây cũng là yêu cầu phù hợp với mục tiêu đổi mới giáo dục của ngành.

Bà Nguyễn Thị Tâm, giáo viên Trường THCS Tân Hưng (huyện Sóc Sơn): Đề toán có tính phân loại cao

Đề thi môn toán nằm trong chương trình đã học, rõ ràng, không đánh đố TS và có phần hay hơn, song cũng khó hơn so với năm trước, vì thế nên sự phân loại trình độ TS sẽ rõ ràng hơn. Các câu hỏi khó xuất hiện ở cả phần đại số và hình học. Các dạng bài không gây bất ngờ với TS. Tuy nhiên, với những yêu cầu trong đề thi năm nay, dự kiến phổ điểm môn toán sẽ tập trung ở mức trung bình - khá, chỉ những TS thực sự xuất sắc mới có thể đạt điểm 9-10.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tích cực vì một kỳ thi có nhiều đổi mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.