Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tích cực thi đua “sống tốt đời, đẹp đạo”

Linh Chi| 19/11/2013 06:35

(HNM) - Đại hội đại biểu Những người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ VI đánh giá kết quả phong trào thi đua yêu nước của đồng bào công giáo và hoạt động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam nhiệm kỳ qua, đề ra phương hướng giai đoạn 2013-2018.



Năm năm qua, đồng bào Công giáo Thủ đô và cả nước đã tích cực hưởng ứng cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư - sống tốt đời, đẹp đạo", nỗ lực thi đua xây dựng cộng đồng. Từ cuộc vận động, diện mạo các xứ họ ngày một đổi mới, người Công giáo ngày càng tích cực xây dựng quê hương.

Góp sức xây dựng nông thôn mới

Đã ở tuổi "xưa nay hiếm", giáo dân Nguyễn Ngọc Thụy, ở thôn 3, xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, vẫn đi đầu trong việc hiến đất mở rộng đường liên thôn, xây dựng nông thôn mới. Đoạn đường trước cửa nhà ông vốn không đủ chiều rộng 4m, lại lồi lõm, cứ mưa xuống là lầy lội, khiến người dân qua lại khó khăn, nhất là các bé học trường mầm non và các cụ đi lễ chùa Tiên Linh ở đầu đường. Khi có chủ trương nâng cấp đường, ông quyết định hiến 15m2 đất. Theo gương ông, 14 hộ giáo dân trong thôn cũng hiến đất, hiến công làm đường. Mấy mùa nay, dù mưa to gió lớn, đoạn đường vẫn thoát nước tốt, khô ráo, bà con thôn 3 đi lại thuận lợi hơn hẳn, tình làng nghĩa xóm được củng cố. Bên cạnh đó, bà con giáo dân xã Vạn Phúc còn dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế; bộ mặt làng quê khang trang hơn hẳn, đời sống ngày một no ấm. Trưởng ban Hành giáo xứ đạo Vạn Phúc Nguyễn Hữu Thắng rất tự hào, chỉ thiếu một tiêu chí về sinh con thứ ba là Vạn Phúc hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trong thành tích chung ấy, bà con công giáo góp phần không nhỏ.

Cùng với Vạn Phúc, bà con giáo dân trên toàn thành phố đã phát huy bản chất cần cù, sáng tạo trong lao động, tích cực áp dụng tiến bộ KHKT, đời sống được nâng lên rõ rệt, số hộ khá và giàu ngày càng nhiều. Tại các huyện Từ Liêm, Thanh Trì, Gia Lâm, giáo dân đã tích cực hưởng ứng phong trào "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới", dồn điền đổi thửa, tình nguyện hiến đất mở rộng đường làng, ngõ xóm, di chuyển mồ mả để quy hoạch nghĩa trang theo các tiêu chí xây dựng nông thôn mới… Số hộ gia đình công giáo tiêu biểu làm kinh tế giỏi, thu nhập từ 200 đến 500 triệu đồng/năm, xuất hiện ngày càng nhiều, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế của Thủ đô. Các xứ đạo, họ đạo trên toàn thành phố đã cùng các tầng lớp nhân dân Thủ đô phấn đấu xây dựng làng văn hóa, khu dân cư văn hóa gắn với đăng ký xây dựng xứ, họ đạo tiên tiến. Qua bình xét hằng năm, số làng văn hóa, khu dân cư văn hóa có đồng bào công giáo sinh sống ngày càng nhiều. Nhiều làng công giáo được công nhận là Làng Văn hóa cấp quốc gia, cấp thành phố và cấp huyện, thị. Trong đó, các làng Công giáo Mai Châu, Đại Bằng (huyện Đông Anh), Tân Độ, Chuôn Thượng, Văn Minh (huyện Phú Xuyên) nhiều năm liền được công nhận là Làng Văn hóa cấp quốc gia…

Gắn bó cùng phát triển cộng đồng

Trên cả nước, 5 năm qua, đồng bào công giáo đã tích cực thi đua yêu nước, phát triển kinh tế, chung sức xây dựng cộng đồng ngày một văn minh, hạnh phúc. Tại các tỉnh, thành phố Ninh Bình, Nam Định, Hà Nội, Hải Phòng, bà con công giáo đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hưởng ứng phong trào nông dân thi đua sản xuất giỏi, mạnh dạn áp dụng tiến bộ KHKT, đầu tư vốn, sáng tạo, thay đổi cách làm… đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế. Trong đó, huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) có gần 30 doanh nghiệp sản xuất, chế biến cói, bảo đảm việc làm cho hơn 4.000 lao động. Tiêu biểu là giáo dân Phạm Đăng Khuyến, doanh thu hằng năm đạt gần 28 tỷ đồng. Nhiều giáo dân các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng của Nam Định đã phát huy thế mạnh vùng biển, đầu tư đánh bắt xa bờ, cải tạo ao đầm nuôi tôm, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm…

Công tác nhân đạo từ thiện luôn là điểm mạnh trong phong trào thi đua yêu nước của bà con công giáo. Nhiều linh mục, tu sĩ, giáo dân đã tự nguyện quyên góp, giúp đỡ những người nghèo, người kém may mắn, xây tặng nhà đại đoàn kết, xây dựng quỹ khuyến học, chăm sóc người nhiễm HIV… Từ năm 2008 đến nay, các họ đạo, các dòng tu, bà con giáo dân tỉnh Vĩnh Long đã khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hơn 47.000 lượt người, tặng 30 xe lăn cho người khuyết tật, cung cấp nước sạch cho hơn 20.000 lượt hộ nghèo, mổ tim và thay thủy tinh thể cho 81 bệnh nhân với tổng số tiền hơn 16 tỷ đồng. Người Công giáo tỉnh Cần Thơ trong phong trào xây dựng nông thôn mới, riêng năm 2012 đã làm mới 28 cầu xi măng, nâng cấp 12km đường với tổng trị giá hàng chục tỷ đồng… Bà con giáo dân TP Hồ Chí Minh luôn đi đầu trong lĩnh vực thực thi bác ái, hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, hoạt động xã hội với tổng số tiền đóng góp 70 tỷ đồng và gần 6.300 lượt người hiến máu nhân đạo…

Biểu dương những nỗ lực của đồng bào công giáo trong phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, sống tốt đời đẹp đạo", Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã khẳng định, cùng với sự phát triển đi lên của đất nước, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào công giáo không ngừng được cải thiện. Bộ mặt xứ, họ đạo ngày càng khang trang. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được củng cố, tăng cường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tích cực thi đua “sống tốt đời, đẹp đạo”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.