(HNM) - Trong thời gian qua, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giao đất dịch vụ, góp phần bảo đảm đời sống cho hộ dân có đất nông nghiệp bị thu hồi phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Tuy vậy, theo mục tiêu thành phố đề ra (cơ bản hoàn thành trong tháng 6-2019), đến nay tỷ lệ giao đất dịch vụ mới đạt 73,41%.
Vướng mắc lớn nhất là cơ chế, chính sách cho diện đặc thù, trong đó có việc xử lý những trường hợp thu hồi diện tích đất lớn, vượt hạn mức được giao đất dịch vụ. Ngoài ra là các lý do liên quan đến chính sách giao đất trải qua nhiều giai đoạn khác nhau; thiếu kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng dự án đất dịch vụ…
Nhằm hóa giải vướng mắc, hiện các địa phương và ngành chức năng đã có đề xuất, kiến nghị cụ thể với UBND thành phố để xem xét, kịp thời tháo gỡ trên tinh thần vì lợi ích của người dân và đúng quy định pháp luật. Các địa phương cũng đang tích cực thực hiện chỉ đạo của thành phố, tổ chức giao đất dịch vụ cho các hộ ngay khi hoàn thiện hạ tầng; giới thiệu địa điểm, bố trí vốn xây dựng hạ tầng để giao đất dịch vụ cho các hộ bị thu hồi đất nông nghiệp… Trong quá trình thực hiện, điểm thuận lợi là Chủ tịch UBND thành phố đã ủy quyền cho Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phê duyệt các dự án này để rút bớt thủ tục, đẩy nhanh tiến độ; đồng thời chỉ đạo sở, ngành chức năng hướng dẫn, đôn đốc kịp thời các địa phương…
Dù vậy, nhiệm vụ đặt ra cho các địa phương rất nặng nề, bởi hiện vẫn còn hơn 17.000 hộ dân nằm trong diện hưởng chế độ, chính sách nhưng chưa được nhận đất dịch vụ (tính đến ngày 31-8-2019, thành phố đã giao đất dịch vụ đến 46.890 hộ/64.068 tổng số hộ). Và hầu hết những trường hợp này đều có vướng mắc ở các mức độ khác nhau. Do đó, yêu cầu đặt ra là các cấp, ngành chức năng cùng chính quyền địa phương phải vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm hơn nữa, tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội tại Văn bản số 2059/UBND-KT (ngày 17-5-2019) về “Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng đất dịch vụ và hoàn trả vốn ứng cho ngân sách thành phố”.
Đi đôi với tích cực triển khai các mặt công tác trong thẩm quyền, các địa phương, ban, ngành đoàn thể cần chú trọng việc vận động, tuyên truyền chủ trương, chính sách về cấp đất dịch vụ, quyền lợi, nghĩa vụ để người dân hiểu và chấp hành. Trong đó, cần quan tâm đến những hộ dân trong diện thu hồi đất nông nghiệp đã nhiều năm, bởi các trường hợp này phải chịu sự điều chỉnh của không ít cơ chế, chính sách giữa các thời kỳ khác nhau. Đặc biệt là ở cấp chính quyền cơ sở, nếu còn vướng mắc, trước hết cần tăng cường tiếp xúc, đối thoại để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân; việc gì thuộc thẩm quyền thì giải quyết ngay, việc gì vượt thẩm quyền phải kịp thời báo cáo cấp trên để sớm tìm hướng tháo gỡ.
Với các sở, ngành liên quan, trong chức năng, nhiệm vụ được giao, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, hướng dẫn, triển khai kịp thời, hiệu quả các chỉ đạo của UBND thành phố về ứng vốn, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng dự án đất dịch vụ… Đồng thời tiếp thu các kiến nghị, đề xuất trong quá trình giao đất dịch vụ của từng địa phương, qua đó tham mưu giải pháp phù hợp hoặc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù (nếu cần), trình UBND thành phố quyết định.
Những hộ gia đình, cá nhân trong diện được hưởng đất dịch vụ cũng cần tích cực hợp tác với chính quyền và cơ quan chức năng trên tinh thần hiểu rõ các cơ chế, chính sách, đồng thời giải quyết triệt để những tồn tại. Chỉ như vậy, quỹ đất dịch vụ mới được sử dụng hiệu quả, không bị bỏ hoang hóa, lãng phí; việc giao đất cũng bảo đảm tiến độ và quyền lợi của người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.