(HNMO) - Theo Bộ LĐTB & XH, hiện Việt Nam đang tích cực áp dụng các biện pháp bảo vệ lao động xuất khẩu tại Libya, đồng thời tìm cách nhanh chóng đưa lao động ở Libya về nước.
Hiện có khoảng 10.000 lao động xây dựng Việt Nam đang làm việc tại Libya, phần lớn trong các công trình do các nhà thầu nước ngoài trúng thầu (các nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Hy Lạp, Đức…). Trong đó, có khoảng 2 nghìn lao động đang làm việc tại thành phố Bengazi, nơi xảy ra bạo loạn lớn, và khoảng 5 nghìn lao động làm việc tại Tripoli cũng là vùng đang xảy ra biểu tình. Số còn lại làm việc tại các khu vực khác. Trước khi có biến động tại Libya, tình hình người lao động rất ổn định, việc làm, thu nhập và cuộc sống bảo đảm.
Sau khi có thông tin về biểu tình tại thành phố Bengazi, ngày 18/2/2011, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Libya chỉ đạo Ban Quản lý lao động, các bộ phận chức năng và các doanh nghiệp theo dõi sát tình hình, thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho người lao động; yêu cầu các doanh nghiệp dừng không đưa tiếp lao động sang Libya, đồng thời chỉ đạo đại diện doanh nghiệp tại Libya báo cáo kịp thời các vấn đề phát sinh, hướng dẫn người lao động không đi tới các nơi có biểu tình và tránh tụ tập đông người tại nơi công cộng.
Tình trạng mất ổn định tại Libya đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc làm, sinh hoạt và sự an toàn của người lao động. Hiện nay, hầu hết các công trường có lao động Việt Nam đều đã ngừng làm việc. Người lao động đang được các chủ thuê lao động yêu cầu ở tại khu nhà ở để bảo đảm an toàn. Tại một số khu nhà ở an ninh không đảm bảo, người lao động đã được đưa vào nhà thờ, khách sạn hoặc những nơi an toàn hơn. Theo thông tin từ các doanh nghiệp và Đại sứ quán tại Libya, đến ngày 23/02/2011 mọi người lao động Việt Nam đều đang an toàn và được cung cấp lương thực, thực phẩm.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã và đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai các giải pháp sau đây:
1. Thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và bảo đảm cuộc sống cho người lao động. Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán tiếp tục theo dõi sát tình hình tại Libya và tình trạng an toàn của từng nhóm người lao động để kịp thời đưa những nhóm lao động ở những nơi an ninh không bảo đảm đến những nơi an toàn, đồng thời triển khai các giải pháp bảo đảm lương thực, thực phẩm cho người lao động. Các doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với đối tác để quản lý và bảo đảm an toàn và cuộc sống cho người lao động, vận động, đôn đốc đối tác sơ tán lao động khỏi Libya.
2. Triển khai đưa lao động về nước. Phương án chủ yếu là đưa lao động sang các nước láng giềng bằng đường bộ và đường biển để từ đó đưa lao động về Việt Nam bằng đường hàng không. Trường hợp bảo đảm an toàn, sẽ triển khai đưa lao động về nước bằng đường hàng không từ Libya.
Ngoài việc các đối tác tiếp nhận lao động và các doanh nghiệp xuất khẩu lao động tự tổ chức cho lao động xuất cảnh khỏi Libya bằng đường bộ, đường biển, ưu tiên đưa lao động ở các khu vực an ninh không đảm bảo về nước.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và các doanh nghiệp đưa lao động đi thành lập các tổ công tác sang các nước láng giềng của Libya để phối hợp với cơ quan đại diện đón, làm thủ tục và tổ chức cho người lao động về nước.
Bộ Ngoại giao đã làm việc với các nước láng giềng của Libya đề nghị hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động Việt Nam nhập cảnh từ Libya để về Việt Nam; làm việc với các nước có công dân tại Libya đề nghị cùng phối hợp đưa người lao động về nước; đồng thời yêu cầu sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.
Tổng Công ty Hàng không Việt Nam đã lập kế hoạch đưa máy bay sang hoặc phối hợp với các hãng hàng không các nước bố trí máy bay đưa lao động về nước nhanh chóng, an toàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.