Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Ti vi chỉ có phim Hàn là hay..."

ANHTHU| 31/08/2004 08:49

Phải thừa nhận một điều: mặc dù các kênh truyền hình

Cảnh trong phim Đam mê điện ảnh.

Phải thừa nhận một điều: mặc dù các kênh truyền hình "bật lên là thấy tóc nâu môi trầm" cuốn quanh nội dung phim theo những mô-típ quen thuộc, dài dòng; nhưng phim Hàn Quốc vẫn có một số đông khán giả Việt Nam yêu thích và mức độ thuyết phục của nó không phải là thấp.

Những mô-típ quen thuộc

Rất nhiều yếu tố sau đây thường được các nhà làm phim Hàn Quốc khai thác:

- Các ông chủ lớn bao giờ cũng có... con riêng, con riêng bao giờ cũng giỏi dù không được học đến nơi đến chốn và con riêng bao giờ cũng được yêu thương, tin tưởng hơn con... trong giá thú, như trong các phim: Những chú chim non lạc bầy, Ánh dương cuộc đời, Vệ sĩ,...

- Nhân vật chính thường bị ung thư, u não, bệnh máu trắng... nói chung là nan y. Nếu bí quá, để tạo ra tình huống, nhân vật thường... mất trí nhớ, và để giải quyết tình huống, họ thường gặp... tai nạn, hoặc may mắn hơn, họ có thể được ra nước ngoài định cư vĩnh viễn (Chuyện tình mùa đông, Trái tim mùa thu, Khăn tay vàng...).

- Mafia có nhiều đất sống, hầu như tập đoàn nào cũng dựa vào một thế lực xã hội đen nào đó mới thành công. Cuộc chiến trên thương trường gắn với cuộc chiến giữa các thế lực xã hội đen (Yêu em, Đam mê điện ảnh...).

- Bao giờ cũng có tình yêu tay ba, chị em - anh em (cả cùng mẹ khác cha hay ngược lại) thường yêu một người và người em hầu như nắm phần thắng (Giày thủy tinh, Anh em nhà bác sĩ, Ánh dương cuộc đời...).

Chính sự lặp lại nhiều lần các tình tiết trong phim như đã nói ở trên khiến người xem có cảm giác là các nhà biên kịch đang bị thiếu đề tài. Nhân nói về điều này, cần thừa nhận trước một điều, cho dù chủ đề tư tưởng, cốt truyện chẳng có gì, nhưng nhờ tài của đạo diễn và diễn xuất của diễn viên (rất gần với cuộc sống đời thường, sự việc, tình cảm phát triển logic, không "lên gân" như một số phim ta) nên phim vẫn cuốn hút người xem. Trong bối cảnh truyền hình thiếu những phim chất lượng cao, thì hầu như "ti vi chỉ có phim Hàn là hay...".

Những cái "được" trong phim

Cái đầu tiên phải thừa nhận là công nghệ dùng phim để quảng cáo sản phẩm (sao lại không?) của họ rất siêu đẳng. Biết là phim này quảng cáo cho thời trang, phim kia quảng cáo cho mỹ phẩm, phim nọ quảng cáo cho xe hơi hay điện thoại di động... thế mà xem vẫn đã. Không như phim ta, khi quay cận nhãn hiệu một chai bia, thì thế nào cuối phim cũng có lời cám ơn về sự giúp đỡ của hãng bia đó. Mà cảnh quay cận nó sống sượng và vô lối, không thể chấp nhận được.

Hai là, như đã nói, nhờ tài của đạo diễn và diễn xuất của diễn viên, diễn biến cốt truyện và tình cảm của nhân vật phát triển logic, như cuộc sống đang xảy ra. Người xem có thể nhận thấy mình trong đó, nên rất thích. Không có chuyện "cố thể hiện chủ đề tư tưởng" như phim ta nên tính cách nhân vật logic, không xa lạ với cuộc sống tình cảm công chúng.

Ba là, điều này thì rất khâm phục, nhiều chuyện phim Hàn Quốc với các nhân vật toàn là người tốt, đối xử với nhau rất tốt, hiếu thảo, lễ nghĩa mà vẫn rất hấp dẫn. Qua đó khán giả còn biết thêm được phong tục tập quán, lối ứng xử, văn hóa truyền thống của người Hàn Quốc thông qua một gia đình. Ví dụ như phim Tình si (có đài dịch tựa là Mưa mùa hạ). Chỉ là chuyện hai chị em yêu và lấy hai anh em, cô chị lại lấy chú em, cô em lại lấy ông anh, thế mà phát sinh bao nhiêu chuyện về quan hệ và văn hóa. Đó là cái tài của họ...

Ý kiến khán giả về phim Hàn Quốc

"Trước đây tôi thường hay xem phim Hàn Quốc vì thấy các diễn viên đều rất đẹp, trang phục bắt mắt, họ diễn rất tự nhiên, tình huống trong phim không gượng gạo. Nhưng giờ thì tôi bớt mê rồi vì nhiều phim có nội dung tương tự, nhất là hay bị ung thư - chết; điều làm tôi không thích nữa là các sếp trong phim hay đánh vào đầu hoặc đá vô chân nhân viên". (Nguyễn Thị Hà Giang, nhân viên Công ty Bảo hiểm nhân thọ Bảo Minh CMG, TP.HCM)

"Tôi xem rất nhiều phim Hàn Quốc chiếu trên ti vi. Tôi rất ấn tượng với những cảnh như con cháu dù đã có gia đình và thành đạt ngoài xã hội nhưng khi về thăm ông bà cha mẹ vẫn quỳ chào rất lễ phép, kính trọng. Xem phim, tôi học được phong cách làm việc của những người trẻ Hàn Quốc, họ làm việc với tinh thần đồng đội cao và có trách nhiệm với nghề, thậm chí họ mua thức ăn và ở lại đêm trong cơ quan để hoàn thành công việc, chứ không phải hết giờ là về. Cách thể hiện tình yêu trong phim cũng nhẹ nhàng nhưng rất sâu sắc, không "phô" như phim một số nước phương Tây". (Lê Trần L.P, nhân viên ĐH Quốc gia TP.HCM).

"Phim Hàn Quốc chú trọng đến những tình tiết dù rất nhỏ, đời thường trong cuộc sống nhưng lại xoáy sâu vào tâm lý người xem. Ví dụ như những câu nói thể hiện tình cảm, sự quan tâm của người bà dành cho cháu hoặc ngược lại, của bố mẹ vợ với con rể, hay giữa hai mẹ con với nhau... đều rất thực và xúc động. Tiếc là có nhiều phim kéo dài quá, giờ chiếu cũng không phù hợp với công việc nên tôi không theo dõi thường lắm". (Trương Thị Bích Nhung, nhân viên bán hàng, Q.10, TP.HCM)

N.V (ghi)

Trần Thị Cúc Phương

Ông Trần Mạnh Hùng - Trưởng phòng Khai thác phim truyện Đài Truyền hình TP.HCM:

Xung quanh việc các đài truyền hình từ trung ương đến các địa phương đua nhau chiếu phim Hàn Quốc, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Mạnh Hùng - Trưởng phòng Khai thác phim truyện của Đài Truyền hình TP.HCM (HTV) về vấn đề này.

* Tại sao phim Hàn Quốc (HQ) chiếm đa số trong các phim HTV đã phát, mà không là nước khác, thưa ông ?

- Các phim phát trên HTV đều có đối tượng riêng của nó, chẳng hạn như phim hành động của Mỹ dành cho giới trẻ, phim lịch sử Trung Quốc thì được những người lớn tuổi quan tâm hơn, còn phim HQ chủ yếu dành phục vụ cho phụ nữ. Hơn nữa, điều ai cũng thấy được là phim HQ có bối cảnh quay đẹp, diễn viên diễn xuất đạt, từ những người đóng vai chính cho đến các nhân vật phụ (trẻ con, người già). Các câu chuyện trong phim HQ có nhiều nét tương đồng, phù hợp với văn hóa, cuộc sống, tính cách con người Việt Nam.

* Nhắc tới phim HQ, người ta nghĩ ngay đến bệnh ung thư, chết - nói chung kết thúc không có hậu. Vì vậy nhiều người sau khi xem hết phim cảm thấy không hài lòng. Anh nghĩ sao về điều này?

- Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy thường phim kết thúc không có hậu nhưng cốt truyện của phim lại có hậu. Vì dù nhân vật chính có chết nhưng những cái chết ấy đều có lý do và ý nghĩa (có thể vì không may, chọn cái chết để hy sinh cho người khác...). Đâu phải cứ chết là kết thúc không có hậu.

* Phim Vệ sĩ (phim hài hành động, đã phát trên HTV9) như một "làn gió mới" thổi vào người xem. Vậy sao HTV không tiếp tục giới thiệu những bộ phim loại này để thay đổi "khẩu vị" khán giả?

- Hiện nay số người biên tập phim truyền hình rất ít, họ cũng không có điều kiện ra nước ngoài để trực tiếp chọn phim mà chủ yếu chúng tôi chọn thông qua các nhà cung cấp. Thêm vào đó, vì biết khán giả VN thích xem phim HQ (thông qua thăm dò) nên phía nhà sản xuất càng nâng giá lên rất cao (cao hơn nhiều so với phim Trung Quốc). Điều này cũng tạo sức ép và khó khăn đối với chúng tôi trong việc chọn phim.

* Xin cảm ơn ông.

Nguyên Vân (thực hiện)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Ti vi chỉ có phim Hàn là hay..."

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.