Người ta thường ví Tô Châu là thiên đường trần gian. Thành phố cổ này có nhiều sông ngòi ngang dọc với gần 1.000 chiếc cầu đá, cầu gạch xây vồng lên, bắc qua đôi bờ sông hẹp như sông Tô của Hà Nội.
Người ta thường ví Tô Châu là thiên đường trần gian. Thành phố cổ này có nhiều sông ngòi ngang dọc với gần 1.000 chiếc cầu đá, cầu gạch xây vồng lên, bắc qua đôi bờ sông hẹp như sông Tô của Hà Nội.
Đến nay vẫn còn 170 chiếc cầu rêu phong một thuở. Nhà cửa một, hai tầng cổ kính nối nhau san sát, mặt tiền quay ra sông có những con thuyền nhỏ ngược xuôi tạo nên cảnh quan đầy thơ mộng. Xưa, vào những đêm trăng, từ các ca quán treo đèn lồng đỏ hai bờ sông bay vút lên những khúc ca mượt mà trong nhịp đàn phách.
Tô Châu thuộc tỉnh Giang Tô, vốn là cố đô nước Ngô do vua Hạp Lư xây dựng đã ngoài 2.400 năm. Mộ của Hạp Lư táng trên ngọn đồi cao phía Tây Bắc thành Tô Châu. Tương truyền sau khi táng được ba ngày có con hổ trắng đến nằm phục bên mộ nên thành tên Đồi Hổ. Đường lên len lỏi, cheo leo giữa những đồi núi đá và khe suối. Còn đó vết chém thử kiếm của vua Ngô. Rồi giống đá, con cóc đá, quả đào đá... mỗi di tích gắn với một truyền thuyết lay động lòng người. Trước lăng mộ có chiếc hồ gọi là Kiếm Trì. Người ta bảo, Tần Thủy Hoàng du Giang Nam nghe đồn ở mộ Hạp Lư chôn nhiều châu báu và bảo kiếm nên đã cho khai quật, sau nước đọng thành hồ.
Trên đỉnh Đồi Hổ có cây tháp nghiêng cùng với độ nghiêng của Tháp Pi-da nước I-ta-li-a. Tháp hình bát giác, cao 7 tầng, xây bằng gạch và gỗ từ thế kỷ thứ VI thời nhà Tùy, diện mạo còn tới hôm nay là sau lần trùng tu lớn thời Bắc Tống, thế kỷ X.
Tô Châu có nhiều vườn cổ nổi tiếng của các triều đại Tống, Nguyên, Minh, Thanh... với phong cách kiến trúc truyền thống gắn với thiên nhiên tạo nên những bức thủy mặc sinh động. Nhiều nơi trồng cây phong thành rừng. Chớm vào thu lá phong lác đác bay rắc vàng trên những lối đi.
Tô Châu có ngôi chùa nổi tiếng mà không du khách nào đặt chân đến nơi đây là không tới. Ngôi chùa cổ xây từ thời Nam Triều (thế kỷ VI) được khắp nơi biết đến là nhờ bài thơ Phong kiều dạ bạc của Trương Kế thời Đường. Ông là người Tương Dương, nay thuộc tỉnh Hồ Bắc, đậu tiến sĩ, làm quan kiêm hiệu Viên ngoại lang, làm bài thơ này vào giữa năm Thiên Bảo thứ 13 (754). Bài thơ “Đêm đỗ thuyền ở Phong kiều” nói về bến cây phong có chiếc cầu cong bắc qua sông ở Ngô huyện, thành Cô Tô - tức Tô Châu.
Nguyên văn như sau:
Nguyệt lạc đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sâu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.
Dịch thơ:
Trăng tà, chiếc quạ kêu ương
Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn
Bản dịch này trước đây thường ghi là của Tản Đà, nay có tác giả nói là của Nguyễn Hàm Ninh (1808 - 1867) đậu giải nguyên thời Minh Mệnh, làm quan ở Viện Hàn lâm. Bài thơ được Khang Hữu Vi đời Thanh viết chữ to khắc vào bia đá dựng trong chùa Hàn Sơn. Chùa khá rộng, gồm nhiều lớp kiến trúc hùng vĩ. Tiếng chuông chùa Hàn Sơn vang trong đêm thanh vắng xa tới hàng chục dặm là do chuông đúc bằng đồng có pha thiếc, lại được khí ẩm sông hồ bốc lên tạo cho tiếng chuông ngân nga.
Một ngày vãng cảnh Tô Châu - Cô Tô xưa, để lại trong lòng du khách những ấn tượng sâu sắc. Cảnh đẹp, môi trường trong lành, dấu xưa còn đó cùng thái độ ân cần, niềm nở, thân thiện của người Tô Châu làm cho du khách nhớ lâu và hẹn ngày trở lại.
Giang Quân
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.