(HNMO) - Theo số liệu của Hiệp hội Công nghiệp đồng hồ Thụy Sỹ (FH), hàng giả chiếm khoảng từ 5% đến 9% thị trường toàn cầu, với doanh thu khoảng gần 500 tỷ euro, lớn gấp nhiều lần so với nạn buôn bán người.
Là quốc gia có công nghiệp đồng hồ là ngành mũi nhọn, hàng giả và nạn đánh cắp bản quyền nói chung gây tổn thất kinh tế cho Thụy Sỹ khoảng 2 tỷ franc. Bởi vậy, Ngày Thụy Sỹ chống hàng giả với các hình thức và nội dung thiết thực có ý nghĩa lớn và được tổ chức hàng năm, nhằm thức tỉnh đông đảo người tiêu dùng về vấn nạn nghiêm trọng này. Các kết quả được đánh giá và công bố vào ngày Quốc gia Thụy Sỹ chống hàng giả, 22-3.
Đồng hồ Thụy Sĩ giả thường có xuất xứ từ Trung Quốc, xem kỹ có nhiều nét không chuẩn |
Thuỵ Sỹ được mệnh danh là xứ sở của đồng hồ. Nhưng đồng hồ Thụy Sỹ cũng thường bị làm giả rất nhiều. Đồng hồ giả thường được sản xuất tại châu Á (chủ yếu từ Trung Quốc), được gửi đi châu Âu, châu Phi và châu Mỹ bằng vận chuyển quá cảnh qua một số nước, trong đó Dubai nổi lên là một trong số mười đầu mối quan trọng.
Ngoài ra, đồng hồ giả còn được mua bán trực tuyến dưới nhiều hình thức, đặc biệt là đấu giá tại hai website www.alibaba.com và www.DHgate.com với số lượng đáng kinh ngạc các đồng hồ giả mang nhãn hiệu Thụy Sỹ.
Dưới khẩu hiệu Ngăn chặn nạn đánh cắp bản quyền (Stop Piracy), ngày "Chống hàng giả" năm nay ở Thụy Sỹ được thực hiện với sự bảo hộ của Diễn đàn Thụy sỹ ngăn chặn hàng giả và đánh cắp, có sự tham gia của Hiệp hội Công nghiệp đồng hồ Thụy Sỹ (Federation de l’industrie horlogere suisse – FH) kết hợp cùng Quỹ chế tác đồng hồ (Fondation de la haute horlogerie), với hình thức mới là động viên đông đảo quần chúng và sinh viên thi sáng tạo áp phích hoặc phim ngắn về đề tài chống hàng giả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.