(HNMO) - Giá thành cao và
Không biết nhiễm ở khâu nào
Từ đầu năm 2015 đến nay, chỉ riêng tại thị trường Nhật Bản và EU, Việt Nam có 54 lô hàng thủy sản bị cảnh báo nhiễm hóa chất kháng sinh, tăng 1,28 lần so với cả năm 2014. Tại Nhật Bản, cơ quan có thẩm quyền của nước này đã áp dụng chế độ kiểm tra chặt đối với các chỉ tiêu bị cảnh báo và có thể áp dụng biện pháp đình chỉ nhập khẩu từ Việt Nam nếu tình hình không được cải thiện.
Ngành chế biến xuất khẩu thủy sản đứng trước nhiều thách thức. |
Theo Tổng cục Thủy sản, các lô hàng vi phạm bị phát hiện qua kiểm tra chứng nhận an toàn thực phẩm (ATTP) thủy sản xuất khẩu tăng cao. Năm 2014, tổng số lô hàng bị phát hiện vi phạm quy định bảo đảm ATTP là 159 lô, trong đó 68 lô bị phát hiện vi phạm quy định hóa chất kháng sinh. Tuy nhiên, chỉ trong 9 tháng năm 2015 con số các lô hàng vi phạm lên tới 165 lô, trong đó có 78 lô nhiễm hóa chất kháng sinh.
Theo một Công ty thủy sản tại Nha Trang, rất khó để xác định nhiễm hóa chất ở khâu nào. "Doanh nghiệp làm rất nghiêm ngặt trong khâu sản xuất, kể cả khám sức khỏe định kì cho công nhân. Tuy nhiên, có những lô hàng, Việt Nam kiểm tra thì an toàn, nhưng ở nước ngoài lại phát hiện vi phạm kháng sinh", đại diện Công ty này đặt nghi vấn.
Trong khi đó, ông Hồ Quốc Lực, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (có trụ sở tại Sóc Trăng) cho biết, trong khi Việt Nam có trên 180 lô hàng vi phạm thì Thái Lan không có lô nào. "Do đó, chúng ta cần xem lại quy trình xét nghiệm, có những lô hàng bị hậu kiểm tra nhưng chưa bị nêu tên không ít. Tôi cho rằng cần công khai thông tin nhiễm hóa chất, kháng sinh để có giải pháp ngăn chặn", ông Lực cho hay.
Nhiều doanh nghiệp cho biết, nếu không có giải pháp kịp thời quản lý các chất cấm trong nuôi trồng và chế biến thủy sản, doanh nghiệp sẽ khó tránh được các lô hàng vi phạm. Qua đó, các doanh nghiệp đề xuất nhà nước cấm 5 loại kháng sinh phổ biến trong thực phẩm, đồng thời quản lý chặt danh mục thuốc thú y.
Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, việc kiểm soát nguồn gốc các lô nguyên liệu hiện nay chưa đủ độ tin cậy, mức độ ATTP của sản phẩm thủy sản Việt Nam chưa được cải thiện nhiều. Thậm chí, tỷ lệ vi phạm dư lượng hóa chất kháng sinh có chiều hướng gia tăng. Điều này có thể khiến các thị trường xuất khẩu áp dụng các biện pháp kiểm soát bất lợi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chế biến, xuất khẩu thủy sản trong nước.
Doanh nghiệp phải cứu mình trước
Trước các ý kiến cho rằng không biết sản phẩm nhiễm tồn dư kháng sinh ở khâu nào, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cho rằng, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp lạm dụng kháng sinh để bảo quản thực phẩm xuất khẩu. "Hiệu quả kiểm soát của các doanh nghiệp rất kém, không thể chỉ lấy mẫu kiểm nghiệm ở những đơn vị kiểm tra", ông Tiệp cho hay. Cũng theo ông Tiệp, doanh nghiệp là người nắm rõ nhất mức độ an toàn sản phẩm do họ làm ra, qua đó sẽ biết làm cách nào để bảo vệ chính mình.
Đứng về phía doanh nghiệp, ông Hồ Quốc Lực, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Sao Ta thẳng thắn khi cho biết, nguyên nhân khiến các lô hàng thủy sản, trong đó có tôm bị trả về là do vấn đề nội tại. "Riêng về tôm, hiện nay thiếu con tôm sạch do điều kiện nuôi trồng hết sức khó khăn", ông Lực phân trần. Đại diện Công ty chế biến, xuất khẩu thủy sản đến từ Sóc Trăng cho biết thêm, trên thực tế bà con nông dân nuôi tôm bè rất nhiều nên thách thức trong công tác quản lý là rất lớn.
Nhiều ý kiến cho rằng, hai thách thức lớn nhất đối với ngành thủy sản xuất khẩu của Việt Nam là giá thành cao (khó cạnh tranh) và "không sạch" do thường xuyên nhiễm vi sinh, tạm chất... Để khắc phục tình trạng này, ở khâu nuôi trồng phải có sự khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng để có những cảnh báo, hướng dẫn cho bà con; còn ở khâu chế biến, doanh nghiệp phải kiểm soát chặt chẽ quy trình, đảm bảo chất lượng và ATTP.
Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, trách nhiệm của nhà nước vẫn phải làm, nhưng nhà nước không thể kiểm soát việc sử dụng thuốc nuôi trồng thủy sản ở tất cả các vùng nuôi. Chính vì thế, nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp chung tay cùng các địa phương xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu an toàn cho chế biến thủy sản. Thứ trưởng Vũ Văn Tám còn cho biết, hiện nay Bộ NN&PTNT đang triển khai đề án tái cơ cấu ngành thủy sản.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.