(HNMO) - Con người sẽ không thể lạc quan trông đợi vào các hệ thống thuỷ điện đóng vai trò một nguồn cung năng lượng thực sự sạch sẽ trong năm 2016, khi mới đây các nhà nghiên cứu đã công bố rằng công nghệ này thực tế phá hoại môi trường tồi tệ hơn nhiều so với những nhận định trước kia.
Tạp chí The Guardian dẫn lời nhóm nghiên cứu cho biết, các con đập trong quá trình vận hành phát tán ra lượng khí mê-tan lớn hơn 25% so với các nghiên cứu trước kia chỉ ra - chiếm tới 1,3% lượng khí thải do con người sản sinh ra môi trường. Đây được xem là hệ quả trực tiếp của lượng nước tích trữ liền kề với con đập - vốn được dùng để đảm bảo áp suất sinh điện.
Các hồ chứa này thường có thiết kế rộng và rất sâu, nước tĩnh, hàm chứa ít khí ô xy, nhưng lại có rất nhiều các loại tảo và vi khuẩn trôi nổi dưới đáy. Khi rác từ nhà máy - bao gồm cả lá cây và cành khô - được đổ xuống các hồ, chúng sẽ trở thành bữa ngon cho các loại vi khuẩn, sản sinh ra khí CO2 và mê-tan. Lượng khí này sẽ nhanh chóng phát tán vào không khí, gây ra ô nhiễm. Dĩ nhiên, đó là chưa tính tới những tác động tới môi trường và thiên nhiên trong quá trình vận hành, thi công, xây dựng.
Theo trưởng nhóm nghiên cứu Bridge Deemer, dù khí mê tan không lan toả trong bầu khí quyển như CO2, nó lại có tác động tiêu cực hơn nhiều. "Trong vòng 20 năm qua, khí mê-tan đã góp phần thúc đẩy hiệu ứng nhà kính khiến trái đất nóng dần lên, với tỉ lệ gần gấp ba lần so với khí CO2" - bà nói. Nếu con người tiếp tục tăng số lượng thuỷ điện trong thời gian tới, con số này sẽ còn tăng lên.
Dĩ nhiên, kết quả nghiên cứu mới không đồng nghĩa với việc các đập thuỷ điện nên được dỡ bỏ. Thay vào đó, nó được xem như lời cảnh báo cho các dự án trong tương lai cần thiết phải tính toán tới phương án xử lý rác thải và các giải pháp xử lý tảo, vi khuẩn trong hồ chứa một cách hiệu quả hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.