(HNM) - Sự kiện sáp nhập đình đám nhất trong giới chứng khoán quốc tế vừa kết thúc với việc Deutsche Boerse AG của Đức đồng ý chi 9,53 tỷ USD để mua lại Stock Exchange NYSE Euronext do Mỹ sở hữu.
Dù chưa có tên chính thức, nhưng bản hợp đồng lịch sử này vừa được hai bên đặt bút ký trong tuần đã tạo ra một công ty điều hành sàn chứng khoán lớn nhất hành tinh với tổng giá trị thị trường đạt 25,6 tỷ USD, soán ngôi của Hong Kong Exchanges&Clearing hiện đang giữ vị trí này.
Sáp nhập để mạnh hơn đang là xu thế trong hoạt động chứng khoán thời toàn cầu hóa.
Thương vụ xuyên Đại Tây Dương lớn nhất trong lịch sử chứng khoán hiện đại dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối năm 2011, sau khi nhận được sự chấp thuận của các cơ quan chức năng cả Mỹ và châu Âu. Trên cơ sở hợp nhất hoàn toàn mọi hoạt động, công ty mới sẽ đặt trụ sở tại New York và Frankfurt; đồng thời được niêm yết trên sàn giao dịch Frankfurt, New York và Paris. Với tổng doanh thu của hai doanh nghiệp trong năm 2010 là 5,4 tỷ USD và lợi nhuận đạt 2,7 tỷ USD, vụ mua bán được thị trường chứng khoán hai bờ Đại Tây Dương dõi theo đã hình thành một tập đoàn điều hành và giao dịch cổ phiếu lớn nhất thế giới về doanh thu và lợi nhuận. Thỏa thuận "cùng đi một con đường" giữa hai sàn giao dịch danh giá sẽ khiến tổng giá trị thị trường của nhóm các công ty niêm yết tại tập đoàn mới lên tới 15 nghìn tỷ USD, tương đương 28% tổng giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán toàn thế giới.
Để có được bản hợp đồng tạo ra nhiều kỷ lục, lãnh đạo hai bên đã phải vượt qua nhiều khác biệt. Do mức vốn hóa lớn hơn 15 tỷ USD, thỏa thuận cuối cùng là mỗi cổ phiếu của Deutsche Boerse AG đổi được một cổ phiếu của công ty mới trong khi tỷ lệ đối với NYSE Euronext là 0,47 cổ phiếu. Sau khi giao dịch kết thúc, các cổ đông của Deutsche sẽ nắm giữ 60% cổ phần trong khi các cổ đông của NYSE nắm sở hữu phần còn lại. Công ty chứng khoán lớn nhất thế giới này cũng hy vọng việc ông Duncan Niederauer, Giám đốc điều hành NYSE Euronext sẽ là giám đốc điều hành của công ty mới và Giám đốc điều hành của Deutsche Boerse AG Reto Francioni giữ chức Chủ tịch, sẽ tạo được sự hòa hợp giữa hai doanh nghiệp. Cuộc phân chia ngôi vị bao giờ cũng được xem là khó khăn lớn nhất mà các công ty hợp nhất luôn phải đối mặt.
Vụ việc này đã ngay lập tức khiến cuộc chạy đua mua bán giữa các công ty quản lý sàn chứng khoán khắp thế giới diễn ra suốt một thập kỷ qua ngày càng trở nên khốc liệt. Từ năm 2000 đến nay, tổng giá trị các vụ thâu tóm đạt ít nhất 95,8 tỷ USD. Bản thân NYSE Euronext cũng là kết quả của một thương vụ ồn ào cách đây 5 năm với giá trị hợp đồng là 14,3 tỷ USD, mở đầu cho làn sóng hình thành thị trường giao dịch cổ phiếu giữa hai châu lục Âu - Mỹ. Xu thế vượt Đại Tây Dương của thị trường chứng khoán toàn cầu vừa một lần nữa cho thấy xu hướng của sáp nhập khi BATS Global Markets của Mỹ đang hoàn tất những thủ tục cuối cùng để mua lại "người bạn lớn" ở châu Âu, Chi-X Europe. Các sàn cổ phiếu châu Á xem ra cũng không muốn đứng ngoài "sân chơi" sáp nhập như một xu hướng toàn cầu tất yếu đang diễn ra. Hong Kong HKEX tuyên bố sẽ cân nhắc hợp danh và các quan hệ quốc tế khác trong khi lãnh đạo Tokyo TSE bóng gió rằng sàn giao dịch này luôn mở cửa với những cơ hội hợp tác...
Gia tăng liên kết để tồn tại và phát triển đang là lựa chọn của các doanh nghiệp nhằm chống đỡ hiệu quả trước áp lực cạnh tranh ngày một lớn trong lĩnh vực chứng khoán. Rõ ràng khi thị trường tài chính nhiều biến động thì hợp nhất được xem là công cụ hữu hiệu nhằm nâng cao vị thế, sức mạnh cho những công ty hoạt động trong môi trường chứng khoán khắc nghiệt - nơi quy mô và tiềm lực luôn quyết định thành công.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.