(HNM) - Cuộc khủng hoảng nghe lén từng gây sóng gió cho quan hệ giữa Mỹ và một loạt quốc gia chỉ vừa hạ nhiệt đôi chút thì lại đã bùng lên. Nhưng lần này lại ngay trong lòng nước Mỹ khi Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và Thượng viện liên tiếp đưa ra những cáo buộc do thám lẫn nhau.
Mâu thuẫn nảy sinh sau khi CIA phát hiện trong kết quả điều tra chưa công bố của Thượng viện có nội dung một bản báo cáo của CIA thuộc diện không được truy cập. Sau vụ việc này, CIA chính thức yêu cầu Bộ Tư pháp Mỹ mở cuộc điều tra về việc các nhân viên Thượng viện có thể đã đột nhập mạng máy tính của CIA để đánh cắp tài liệu mật. Động thái của CIA đã châm ngòi cho sự giận dữ từ Thượng viện khi các nhà lập pháp cho rằng các nhân viên CIA đã lục soát trái phép máy tính của các nhân viên Thượng viện để theo dõi tiến trình điều tra. Sự vụ trở nên "lớn chuyện'' hơn khi Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Diane Feinstein lên tiếng chỉ trích CIA vi phạm nguyên tắc phân quyền của Hiến pháp Mỹ. Nữ nghị sỹ nổi tiếng ôn hòa này cũng yêu cầu cơ quan tình báo Mỹ phải thừa nhận hành động trên là không phù hợp và đưa ra lời xin lỗi. Tuy nhiên, Giám đốc CIA John Brennan đã bác bỏ mọi chỉ trích của bà Feinstein.
Các chương trình do thám của Mỹ đã gây ra nhiều bê bối trong thời gian gần đây. |
Vụ việc được cho là đã phá hỏng quan hệ tốt đẹp giữa bà Feinstein với cộng đồng tình báo Mỹ, vốn từng được Thượng nghị sỹ này hết lòng bảo vệ trước các cáo buộc liên quan đến những hành động lạm quyền. Các nhà phân tích cho rằng, đây là vụ bê bối lớn nhất từ trước đến nay giữa CIA với Thượng viện kể từ những năm 70 của thế kỷ trước. Vào lúc đó, các nhà lập pháp phát hiện những hành động vượt mức của cơ quan này và đệ trình cải cách luật nhằm hạn chế quyền lực của các cơ quan tình báo.
Vậy là sau khi chương trình theo dõi người dùng điện thoại và internet của Cơ quan an ninh quốc gia (NSA) bị cựu nhân viên CIA, Edward Snowden phanh phui gây chấn động thế giới thì mối bất hòa giữa Thượng viện Mỹ và CIA đang rúng động Washington. Bê bối trên cho thấy, cùng với quân đội, bộ máy tình báo tiếp tục là công cụ biểu hiện tập trung lợi ích của nước Mỹ. Với cộng đồng tình báo gồm 16 cơ quan khác nhau, lực lượng này thực hiện nhiệm vụ theo dõi toàn diện cả trong lẫn ngoài nước. Ngân sách cho các hoạt động tình báo không hề nhỏ. Riêng cái tên CIA dường như đã trở thành "thương hiệu" toàn cầu khi vô cùng nổi danh về quy mô hoạt động và mức độ can thiệp vào nhiều quốc gia trên thế giới. Thế nên, bất đồng giữa Thượng viện và một trong những cơ quan hàng đầu xứ Cờ hoa dù không quá bất ngờ nhưng đã cung cấp thêm cho người Mỹ và cộng đồng quốc tế cái nhìn sâu hơn về chiến lược tình báo của Chính phủ Mỹ. Trước đó, đặc biệt là sau vụ "người thổi còi" E.Snowden, từng có những tiếng nói quyết liệt bênh vực cho quyền lợi người dân Mỹ đòi Quốc hội thông qua luật pháp quy định chặt chẽ hoạt động do thám trong nội bộ nước Mỹ, hạn chế bớt chương trình nghe lén, đọc trộm, kiểm soát thư tín cá nhân. Tuy nhiên, vấn đề đã không nhận được nhiều sự quan tâm và đến giờ vẫn chưa có những quyết sách đáng kể nào theo chiều hướng này. Một nhóm khá đông nghị sỹ lưỡng đảng ở Hạ viện đang ủng hộ một dự luật nhằm cấm NSA thu thập hàng trăm triệu dữ liệu cuộc gọi điện thoại mỗi ngày từ các công ty viễn thông ở Mỹ. Tuy nhiên, các lãnh đạo trong Quốc hội, vì ràng buộc bởi những lợi ích của việc theo dõi, giám sát khủng bố, nên thiên về ủng hộ những thay đổi khiêm tốn hơn, chế tài nhẹ nhàng hơn đối với các chương trình nghe lén của NSA.
Sau "cú va chạm" giữa Thượng viện và CIA, các nghị sỹ Mỹ đã bày tỏ quan ngại về những vi phạm của CIA và NSA trong các chương trình do thám. Trong một phản ứng nhằm xoa dịu căng thẳng, Tổng thống Mỹ Barack Obama cam kết ông sẽ điều tra thấu đáo những cáo buộc rằng CIA đã vi phạm luật pháp Mỹ của bà Feinstein. Dẫu vậy, không ai dám bảo đảm những vụ việc kiểu này sẽ không lặp lại trong tương lai, khi mà đồi Capital chưa được trao những công cụ kiểm soát triệt để và Chính phủ Mỹ vẫn dành sự ưu ái cho các hoạt động tình báo, do thám.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.