Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thường Tín hướng tới đô thị làng nghề hiện đại, thân thiện với môi trường

Đỗ Minh| 08/10/2020 15:15

(HNM) - Phát huy lợi thế của một huyện cửa ngõ Thủ đô, là “đất trăm nghề”, Thường Tín phấn đấu đến năm 2025 cơ bản các xã sẽ đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; đồng thời phát triển kinh tế với cơ cấu hợp lý, từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, xây dựng huyện thành đô thị làng nghề phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh.

Huyện Thường Tín triển khai nhiều dự án thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

- Không chỉ đạt 9/9 tiêu chí về huyện nông thôn mới, đang hoàn thành các thủ tục để được Chính phủ công nhận huyện nông thôn mới, trong nhiệm kỳ vừa qua, Thường Tín đã đạt được những thành tựu rất đáng ghi nhận trên nhiều lĩnh vực. Vậy, mục tiêu phấn đấu trong nhiệm kỳ 2020-2025 của huyện là gì để nối tiếp những thành công mang ý nghĩa cơ bản ấy?

- Triển khai sớm đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XXIV (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ huyện Thường Tín vào thực tế cuộc sống, Thường Tín đề ra mục tiêu, đến năm 2025, phấn đấu cơ bản các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; đồng thời tiếp tục phát triển kinh tế với cơ cấu hợp lý, gắn với bảo vệ môi trường... phấn đấu đến năm 2030, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, cơ bản đạt các tiêu chí quận của Thủ đô Hà Nội.  

Theo đó đến năm 2025, Thường Tín sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt mức một số chỉ tiêu cụ thể như: Tốc độ tăng bình quân với giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng 16,5%/năm; giá trị dịch vụ - thương mại 17%/năm; giá trị sản xuất nông nghiệp 2,8%/năm. Cơ cấu kinh tế: Công nghiệp - xây dựng 58%; dịch vụ - thương mại 39%; nông nghiệp 3%. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn (theo phân cấp) mỗi năm tăng bình quân 5% trở lên so với chỉ tiêu thành phố giao...

Trong nhiệm kỳ 2020-2025, Thường Tín sẽ triển khai nhiều giải pháp thu hút đầu tư, phấn đấu đưa 100% cụm công nghiệp đã được quy hoạch vào hoạt động và kêu gọi đầu tư thêm một khu công nghiệp theo quy hoạch. Từ đó, hằng năm tạo việc làm mới cho 3.500 lao động…; đồng thời tăng cường các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Cùng với đó là bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của “đất danh hương”, nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân sự bảo đảm cho yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. 

- Vậy, Thường Tín sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nào để đạt được những mục tiêu nêu trên, thưa đồng chí?

- Thường Tín sẽ tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ chủ yếu. Thứ nhất là tập trung phát triển kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững; chú trọng phát triển các khu, cụm công nghiệp, làng nghề gắn với bảo vệ môi trường. Thứ hai là đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị và xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch. Thứ ba là tích cực chăm lo phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; phát triển giáo dục - đào tạo... Thứ tư là tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Thứ năm là tiếp tục tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”...

Đồng thời, Thường Tín sẽ thực hiện ba khâu đột phá: Một là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức và trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ... Hai là tập trung rà soát, đề xuất điều chỉnh và thực hiện các đồ án quy hoạch trên địa bàn huyện; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, huy động tối đa nguồn lực để đầu tư phát triển đô thị, khu công nghiệp và cụm công nghiệp…; xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Ba là đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân…

Làng thêu Quất Động, xã Quất Động, huyện Thường Tín.

- Đồng chí có thể cho biết rõ hơn những định hướng cụ thể đối với từng lĩnh vực?

- Với lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, huyện sẽ chú trọng phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp và các làng nghề. Cùng với việc tạo điều kiện mặt bằng sản xuất để phát triển làng nghề, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường, Thường Tín phấn đấu trở thành đô thị làng nghề phát triển của Thủ đô.

Đối với lĩnh vực dịch vụ - thương mại, huyện sẽ tăng cường hoạt động quản lý, đầu tư nâng cấp cải tạo, xây dựng mới các trung tâm thương mại, các chợ trên địa bàn theo hướng văn minh, hiện đại; đồng thời chú trọng ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch; thúc đẩy quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại và đẩy mạnh triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Với lĩnh vực nông nghiệp, huyện sẽ quy hoạch vùng sản xuất theo nguyên tắc phát huy lợi thế của từng địa phương, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư lĩnh vực sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản; đồng thời tập trung đầu tư cho các mô hình chủ lực mang lại hiệu quả cao, gắn với chuỗi giá trị sản xuất - tiêu thụ, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm… 

Với công tác quản lý đô thị, đất đai và môi trường, huyện sẽ rà soát và đề xuất điều chỉnh các đồ án quy hoạch huyện Thường Tín gắn với quy hoạch liên huyện và đô thị vệ tinh Phú Xuyên; đồng thời huy động nguồn lực để tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại; thực hiện có hiệu quả quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội. 

- Là “đất trăm nghề”, “đất danh hương”, Thường Tín sẽ làm gì để hình thành đô thị làng nghề, đặc biệt, yếu tố kinh tế và văn hóa sẽ được giải quyết như thế nào trong lộ trình phát triển của Thường Tín, thưa đồng chí?

- Thường Tín có quần thể di tích lịch sử văn hóa đồ sộ với hơn 450 di tích, trong đó 108 di tích đã được xếp hạng, có nhiều di tích rất nổi tiếng như bến Chương Dương, đền thờ Nguyễn Trãi, chùa Đậu và những lễ hội đặc sắc như: Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung, lễ hội đền Bộ Đầu... Thường Tín còn là vùng đất khoa bảng, là quê hương của các bậc danh nhân như Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn... Thường Tín còn là “đất trăm nghề” với  126 làng nghề, trong đó có 48 làng được công nhận làng nghề truyền thống và 1 làng nghề Hà Nội... 

Thường Tín sẽ nỗ lực phát triển kinh tế làng nghề theo hướng thân thiện với môi trường, qua đó khai thác hiệu quả du lịch làng nghề gắn với truyền thống văn hóa đất khoa bảng. Bên cạnh việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, khôi phục sản phẩm làng nghề truyền thống đang bị mai một, Thường Tín sẽ hỗ trợ đào tạo, nâng cao tay nghề cho người dân theo hướng thiết thực, hiệu quả; đồng thời tạo điều kiện về xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, để phát huy các thương hiệu sản phẩm đã có và xây dựng thương hiệu tập thể cho một số làng nghề. Mặt khác, Thường Tín sẽ tập trung bảo tồn tôn tạo, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể; triển khai đúng tiến độ các dự án tu bổ, tôn tạo di tích...

Năng động sáng tạo với những giải pháp mới, đảng bộ chính quyền và nhân dân Thường Tín quyết tâm phấn đấu thực hiện đạt và vượt các mục tiêu nhiệm vụ đề ra, làm rạng rỡ “đất danh hương”, “đất trăm nghề”.  

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thường Tín hướng tới đô thị làng nghề hiện đại, thân thiện với môi trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.