Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thưởng Tết 2015 – mừng và lo!

Minh Bắc| 12/01/2015 00:30

(HNMO) - Sự chênh lệch lớn về mức thưởng Tết giữa các khối doanh nghiệp cho cảm giác mừng, lo lẫn lộn. Mừng là nhiều doanh nghiệp đã làm ăn hiệu quả để chi tiền thưởng lớn. Còn lo cho khối doanh nghiệp tư nhân, nhà nước làm sao vượt khó trong năm 2015 này…


Ảnh minh họa. Nguồn: doisongphapluat.com



Như thường lệ, nhiều năm gần đây cứ đến dịp đầu năm, người lao động lại hồi hộp nghe ngóng về mức thưởng Tết mà doanh nghiệp dành cho họ. Việt Nam bước vào năm 2015 với các chỉ số thống kê cho thấy GDP năm 2014 là 5,98%, vượt hơn dự báo; CPI tăng trung bình mỗi tháng 0,15% đạt mức thấp nhất trong 13 năm trở lại đây; mặt bằng mức lãi suất năm 2014 giảm khoảng 1,5-2% so với cùng kỳ năm 2013… Các chỉ số cho thấy dấu hiệu tích cực của nền kinh tế Việt Nam so với tăng trưởng của hầu hết các nền kinh tế Đông Nam Á năm 2014-2015 đều dự báo theo hướng điều chỉnh giảm. Tuy là vậy, mức tiền thưởng Tết năm nay của các loại hình doanh nghiệp cho người lao động ở một số địa phương mà ngành Lao động - TBXH vừa công bố, phần nào đã phản ánh thực tể hoạt động của các doanh nghiệp năm 2014. Hơn nữa, mức thưởng này có lẽ bị ảnh hưởng bởi chính sách thay đổi lương tối thiểu vùng và một bộ phận cán bộ công chức hệ số lương thấp, người nghỉ hưu… nằm trong diện tăng lương thực hiện từ ngày 1/1/2015.

Cụ thể, ở Hà Nội mức tăng lương của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn nằm ở vị trí dẫn đầu với mức thưởng Tết cao nhất là 85,6 triệu đồng/người, cao hơn mức 65 triệu đồng của năm 2014. Mức thưởng trung bình của khối này là 3,75 triệu đồng/người, tăng 1% so với năm 2014. Khối doanh nghiệp khối tư nhân có mức thưởng cao nhất là 13,940 triệu đồng/người. Mức tính trung bình của khối này là 3,7 triệu đồng/người. Còn khối doanh nghiệp TNHH Nhà nước một thành viên, doanh nghiệp có vốn góp của nhà nước có mức thưởng cao nhất là 25 triệu đồng. Mức tính trung bình từ 3,3-3,45 triệu đồng/người.

Ở TP Hồ Chí Minh, mức thưởng Tết cao nhất cho một cá nhân là 460 triệu đồng (không kể mức thưởng cao nhất nhân dịp Tết dương lịch cho một các nhân thuộc khối FDI là 583 triệu đồng), thấp nhất là 2,8 triệu đồng thuộc khối doanh nghiệp tư nhân. Theo thống kê từ 900 doanh nghiệp thì mức thưởng bình quân cho một người ở công ty nằm trong khu công nghiệp, khu chế xuất dao động 4,5-4,8 triệu đồng. Các công ty khác thuộc Nhà nước, tư nhân, cổ phần, có vốn đầu tư nước ngoài khoảng 5,3-9 triệu đồng/người.

Đặc biệt đối với cả hai thành phố này vẫn còn có một số doanh nghiệp không có tiền thưởng Tết hoặc tiền thưởng thấp không đáng kể. Đa phần các doanh nghiệp này thuộc nhóm doanh nghiệp tư nhân. Đó là bức tranh tổng thể về mức tiền thưởng Tết tại hai trung tâm kinh tế lớn của cả nước. Nhìn chung mức thưởng năm nay tương đương năm 2014. Thành phố Hồ Chí Minh cao hơn hẳn Hà Nội. Tuy nhiên việc công bố tiền thưởng Tết không nằm trong danh mục báo cáo bắt buộc nên con số tiền thưởng Tết  có thể còn nhiều sai số, nhất là đối với các doanh nghiệp Nhà nước.

Dù sao qua các con số trên cũng có thể cho chúng ta thấy tại sao khối doanh nghiệp FDI vẫn đứng đầu về mức tiền thưởng vượt trội. Nhiều chuyên gia kinh tế xác nhận xuất khẩu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã vực dậy tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2014. Con số xuất siêu cả năm đạt 2 tỷ USD cho thấy cán cân thương mại đã có thặng dư khá, vượt mục tiêu nhà nước đề ra đề ra. Công này thuộc về khối doanh nghiệp FDI xuất siêu tới 17 tỷ USD trong khi khu vực trong nước nhập siêu 15 tỷ USD. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 10 tháng năm 2014, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 13,7 tỷ USD và các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 10,15 tỉ USD; tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2013. Điều này cho thấy hiệu quả sử dụng nguồn vốn của doanh nghiệp FDI vẫn gia tăng. Các doanh nghiệp FDI đã trở nên lấn át hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế và đang mạnh lên.

Trong khi đó các doanh nghiệp nội địa vẫn đang hết sức khó khăn, không tham gia sâu hơn được vào chuỗi giá trị sản xuất của Việt Nam, thể hiện ngay trong ngành công nghiệp hỗ trợ. Chỉ một số doanh nghiệp tư nhân Việt Nam giàu lên nhanh chóng là nhờ vào khai thác tài nguyên, sở hữu bất động sản vì được cấp đất, tạo cơ chế chứ chưa có đóng góp gì lớn cho nền kinh tế về mặt đổi mới công nghệ, hay kỹ năng quản trị. Một vài nghiên cứu của các nhà kinh tế đã chỉ ra rằng “các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam không lớn được”. Nguyên nhân được chỉ ra là do hạn chế về chính sách, môi trường kinh doanh chưa thực sự đảm bảo, những biện pháp hỗ trợ đối với DNVVN chưa ổn định, thiếu nguồn vốn…

Tất nhiên, để giải quyết vấn đề này, Chính phủ cũng đã đề ra nhiều chính sách để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, như Nghị quyết 19/NQ-CP đề ra nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Với quyết tâm cao của chính phủ nhằm thực hiện được các mục tiêu kinh tế đề ra trong 2015, người lao động hy vọng tiền thưởng Tết năm 2016 sẽ cao hơn và mức chênh lệch sẽ ngắn lại giữa các khối doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thưởng Tết 2015 – mừng và lo!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.