Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thương nhớ miền Tây…

Lệ Hằng| 23/06/2012 05:46

(HNM) - Một tuần thăm, làm việc tại 5 tỉnh, thành phố gồm Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An của đoàn đại biểu TP Hà Nội do Phó Bí thư Thành ủy Tưởng Phi Chiến dẫn đầu càng thêm hiểu, thêm yêu mảnh đất, con người miền Tây Nam của Tổ quốc...

Phó Bí thư Thành ủy Tưởng Phi Chiến thay mặt lãnh đạo và nhân dân TP Hà Nội thăm và tặng quà gia đình chính sách tại TP Long Xuyên, tỉnh An Giang.

1. Từ trên máy bay nhìn xuống, dòng Cửu Long con rồng chín khúc uốn lượn mềm mại, ôm trọn lấy những vườn cây ăn trái mượt mà, những ruộng lúa vàng ươm đang đến kỳ thu hoạch. Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ hiện đại, nhộn nhịp máy bay dừng, đỗ nối tuyến vào, ra, khiến Hạnh, một phóng viên trẻ ở Báo Kinh tế và Đô thị không ngừng bấm máy. Còn tôi, đã 15 năm mới trở lại Cần Thơ cũng ngỡ ngàng trước diện mạo mới của một TP trẻ đầy năng động.

Theo sử sách để lại, vùng đất Cần Thơ được khai mở và chính thức có mặt trên bản đồ Việt Nam từ năm 1739 với tên gọi Trấn Giang; đến năm 1876, Cần Thơ chính thức được thành lập. Từ vùng đầm lầy hoang sơ đến vùng "gạo trắng nước trong", thủ phủ của miền Tây Nam bộ với danh xưng Tây Đô là một hành trình đầy gian khổ nhưng cũng rất đỗi tự hào của đất và người Cần Thơ "trí tuệ - năng động - nhân ái - hào hiệp - thanh lịch". Nằm ở vị trí trung tâm và là đầu mối giao thông huyết mạch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trên trục giao thương giữa vùng Tứ giác Long Xuyên, bán đảo Cà Mau, Đồng Tháp Mười và cách TP Hồ Chí Minh 169km về phía tây nam, hiện TP Cần Thơ có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật khá hoàn thiện và đang được trung ương tiếp tục đầu tư, tạo cho Cần Thơ có đầy đủ "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" để cất cánh. Trở thành TP loại I trực thuộc trung ương năm 2005, Cần Thơ có vị thế mới, là TP động lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ Nguyễn Hữu Lợi cho biết, qua 7 năm thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị (khóa IX) kinh tế TP tăng trưởng nhanh, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2006-2010 đạt 15,13%; riêng năm 2011, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 14,64% và ước 6 tháng đầu năm 2012 tăng 8,36% so với cùng kỳ. Thu nhập bình quân đầu người năm 2011 đạt 2.346 USD, cao nhất các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh thế mạnh về nông nghiệp, thủy sản với sản lượng lúa luôn ổn định trên 1 triệu tấn/năm, sản lượng thủy sản bình quân 150 nghìn tấn/năm, đạt trên 4 nghìn tỷ đồng năm 2011, Cần Thơ cũng là một TP công nghiệp với giá trị sản xuất công nghiệp tăng từ 8.200 tỷ đồng năm 2005 lên 22.900 tỷ đồng năm 2011. Hiện tại, Cần Thơ có 8 khu công nghiệp tập trung là Trà Nóc 1 và 2, Hưng Phú 1 và 2, Ô Môn, Thốt Nốt 1, 2 và 3, với tổng diện tích quy hoạch trên 2 nghìn héc ta. Đến nay, đã có 4 khu công nghiệp đi vào hoạt động và đã cho thuê trên 500ha, thu hút vốn đăng ký đầu tư 1,8 tỷ USD. Bên cạnh đó, trên địa bàn TP còn có cụm công nghiệp khí - điện Ô Môn với tổng công suất lên đến 2.600MW. Khi cầu Cần Thơ, cây cầu dây văng lớn nhất Đông Nam Á hoàn thành, tạo nên mạng lưới giao thông thông suốt giữa thành phố với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long và nước bạn Campuchia, từ năm 2009, Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ đã đi vào hoạt động, nối Cần Thơ gần hơn với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh, TP trong cả nước và từng bước sẽ mở thêm các đường bay đến các nước Đông Nam Á và Đông Bắc Á.

Không chỉ có thế mạnh về phát triển kinh tế, Cần Thơ còn là điểm đến lý tưởng của du lịch miền sông nước Cửu Long với chợ nổi Cái Răng, Phong Điền, Vườn du lịch Mỹ Khánh, Vườn cò Bằng Lăng, Khu du lịch Phù Sa và Bến Ninh Kiều… đã đi vào cả thơ và nhạc. 6 giờ sáng, từ Bến Ninh Kiều đi chợ nổi Cái Răng bằng ca nô, chúng tôi đã có một buổi sáng tuyệt vời, đón bình minh lên trên dòng sông Hậu với những ghe, xuồng chở nặng nông sản, trái cây, tấp nập chào mời…

2. Từ Cần Thơ đi Kiên Giang chỉ có hơn 100km, song chúng tôi có cảm tưởng phải đi một đoạn đường rất dài bởi liên tục phải qua những cây cầu nhỏ, nối liền những kênh, rạch, chằng chịt của sông nước miền Tây. Là một trong những tỉnh xa nhất và lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long, Kiên Giang vừa là nơi căn cứ cách mạng, vừa có nhiều lợi thế để phát triển tổng hợp do vừa có đồng bằng, vừa có rừng, núi và biển, đảo. Hiện Kiên Giang có sản lượng lương thực cao nhất nước, đạt trên 4 triệu tấn/năm, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Kiên Giang cũng là tỉnh dẫn đầu cả nước về khai thác thủy sản với một ngư trường rộng lớn, trữ lượng thủy sản khoảng 464.600 tấn, chiếm 29% trữ lượng của cả vùng.

Nói đến Kiên Giang, không thể không nói đến các di tích lịch sử nổi tiếng, tài nguyên du lịch dồi dào, đa dạng với những hòn đảo, bãi tắm hoang sơ được xếp thứ hạng cao trên thế giới như: Phú Quốc, Kiên Hải, Thổ Châu, Mũi Nai, Thạch Động, Núi Moso, đầm Đông Hồ, Dinh Cậu Phú Quốc, Đền thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực… Và đặc biệt là khu di tích Ba Hòn, nơi có mộ nữ Anh hùng LLVTND Phan Thị Ràng, nguyên mẫu chị Sứ trong tác phẩm "Hòn Đất" của nhà văn Anh Đức mà tuổi trẻ những năm 60-70 của thế kỷ trước, thế hệ chúng tôi - thế hệ những người cầm súng không ai là không đọc qua và cảm phục. Hôm đến thăm, làm việc với Tỉnh ủy Kiên Giang, đoàn chúng tôi đã được đến thắp hương tại Đền thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực tại TP Rạch Giá và khu di tích Ba Hòn tại huyện Hòn Đất. Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Sơn, với phong cách "rặt Nam bộ" nói với chúng tôi: Trước kia, Hà Nội và Kiên Giang còn cách trở nên mỗi khi ra Hà Nội họp trở về, mình lại thấy nhớ Thủ đô. Giờ thì Hà Nội đã gần hơn với Kiên Giang rồi bởi sân bay Phú Quốc đã nối thẳng đường bay với Hà Nội. Hiện tại Phú Quốc đã có nhiều doanh nghiệp Hà Nội đến đầu tư và gỏi cá trích của Phú Quốc cũng đã có mặt tại Hà Nội. Chuyến thăm của đoàn cán bộ lãnh đạo TP Hà Nội đến Kiên Giang lần này càng làm tình cảm giữa Thủ đô Hà Nội với đồng bào Nam bộ thêm bền chặt.

3. Năm ngày thăm, làm việc tại 5 tỉnh miền Tây không dài, song cũng giống như Cần Thơ, Kiên Giang, tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An, bên cạnh việc trao đổi kinh nghiệm nhằm thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết, hữu nghị, tăng cường hợp tác cùng phát triển, phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị, đóng góp vào thành tựu chung của cả nước, nói theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Tưởng Phi Chiến, Trưởng đoàn công tác, thì đây còn là dịp để Hà Nội tri ân với đồng bào miền Nam "đi trước về sau" nói chung, các tỉnh miền Tây Nam bộ nói riêng.

Theo chủ trương chung của Thường trực Thành ủy Hà Nội, tại 18 tỉnh, TP lớn Hà Nội đến trao đổi kinh nghiệm, ngoài việc tặng mỗi tỉnh 5 tỷ đồng để xây dựng khoảng 100 ngôi nhà tình nghĩa cho các hộ gia đình chính sách, đoàn cán bộ lãnh đạo TP Hà Nội còn đi thăm, tặng quà một số gia đình thương binh, liệt sỹ tiêu biểu, Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng trên địa bàn. Từng là một người lính, chiến đấu tại chiến trường Đông Nam bộ, vì thế, khi đến thăm gia đình thương binh nặng Huỳnh Ngọc Tuyền, ở phường Thới Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, Phó Bí thư Thành ủy Tưởng Phi Chiến rất xúc động trước tấm gương vượt khó của người thương binh 1/4 và càng cảm phục hơn khi biết anh Tuyền là đại biểu duy nhất của quận Ninh Kiều tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ 8 tại Thủ đô Hà Nội. Phó Bí thư Thành ủy Tưởng Phi Chiến bày tỏ, trong những năm kháng chiến ác liệt, đồng bào miền Nam luôn "đi trước, về sau", dù mất mát hy sinh vẫn một lòng một dạ sắt son với cách mạng, luôn hướng về TƯ Đảng, Bác Hồ, hướng về Thủ đô Hà Nội. Nhân dân Thủ đô và cả nước không bao giờ quên được công ơn to lớn ấy. Ngược lại, trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều con em miền Bắc, trong đó có Thủ đô Hà Nội đã chiến đấu, hy sinh tại mảnh đất Nam bộ Thành đồng, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cả nước với Hà Nội", vì thế một lần nữa thêm khẳng định chân lý, đồng bào Trung - Nam - Bắc luôn luôn "là cây một gốc, là con một nhà".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thương nhớ miền Tây…

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.