(HNM) - Hiện nay, trong lúc nhiều người dân tỏ rõ sự hoang mang trước thông tin về hóa chất tạo nạc được sử dụng trong chăn nuôi gia súc, một số thông tin lại khẳng định chất tạo nạc không quá nguy hiểm như dư luận bàn tán. Rút cuộc, kết luận cuối cùng còn chưa rõ, nhưng người chăn nuôi đã thiệt đủ đường.
Lại nữa, tuần rồi dư luận xôn xao quanh thông tin cá diêu hồng bị nhiễm chất cấm khiến người tiêu dùng lo sợ, tương tự việc dùng thịt lợn mà e ngại chất tạo nạc. Những người nuôi cá ra sức kêu oan, thậm chí lấy tính mạng mình ra để bảo lãnh nhưng xem ra thị trường chẳng còn tin tưởng, và trong lúc chờ cơ quan chức năng kết luận chính thức thì nhiều nông dân đã tan nát sản nghiệp.
Chưa hết, hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh cà phê ở Tây Nguyên đang lao đao nhưng chẳng phải vì họ kém trong trồng trọt mà tại các doanh nghiệp thu mua cà phê thua lỗ, phá sản. Nông dân gánh trọn thiệt thòi. Nhiều người khởi kiện, nhưng đau ở chỗ dù có thắng kiện thì họ cũng chẳng thể vớt vát được gì khi chính cơ quan tài phán cũng bó tay vì doanh nghiệp tuyên bố phá sản cũng đồng nghĩa là họ mất khả năng thanh toán.
Trước đó, trường hợp tương tự xảy ra với những người chăn nuôi thủy sản ở Nam bộ. Sau khi có thông tin doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn nhất nhì ở đây kiệt sức thì hàng trăm nông dân mới cuống quýt khi toàn bộ gia sản của họ đã "gửi gắm" cho doanh nghiệp. Dư luận vẫn đang thấp thỏm, nếu doanh nghiệp này phá sản, hàng trăm nông dân có thể trắng tay theo.
Hiện nay, có thể nói đời sống kinh tế nông nghiệp, nông thôn nước ta còn khó khăn, vất vả. Với nông dân, việc thất mùa đã là nỗi lo lắng lớn thường trực, nhưng gần đây dù có được mùa cũng không mấy người yên tâm. Vấn đề ở chỗ, nông dân làm ra sản phẩm, nhưng họ không được quyền quyết định về giá cho sản phẩm do chính mình dồn công, dồn của làm ra. Mấy năm trước, khi mới gia nhập WTO, dù được cảnh báo có nhiều thách thức song hầu hết nông dân đều kỳ vọng sẽ thuận lợi hơn. Nhưng sự thật chưa hẳn vậy. Trước mỗi sự kiện, như dịch cúm gia cầm, bệnh lở mồm long móng, vấn nạn chất cấm trong chăn nuôi… hoặc thậm chí là hệ lụy của quan niệm sinh hoạt, của tin đồn hay chính từ sự thiếu chặt chẽ của cơ quan quản lý khiến nông dân đều ít nhiều bị ảnh hưởng. Ngoài ra, đô thị hóa, diện tích đất đai cho nông nghiệp giảm dần hoặc mất khả năng sinh lời, nguyên liệu đầu vào như giống, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc trừ sâu… nông dân đều phải tự lo liệu và cuối cùng, đầu ra cho sản phẩm họ lại phải tự bươn chải, phụ thuộc vào thương lái, vào tin đồn... Vì thế, chỉ cần một thông tin, chưa biết đúng hay sai cũng tác động ghê gớm đến đời sống nông dân. Đôi khi họ càng làm càng lỗ cũng chỉ vì những lý do trời ơi mà họ chẳng bao giờ nghĩ đến. Có những chuyện như vụ Bianfishco hay vụ thua lỗ cà phê ở Tây Nguyên, theo pháp luật thì nông dân sẽ được bảo hộ, nhưng thực tế sự bảo hộ ấy được thực thi đến đâu vẫn là câu hỏi mà ngay cả cơ quan chấp pháp cũng chưa trả lời được. Nông dân bị đặt vào thế bị động, phụ thuộc vào thái độ ứng xử của cơ quan quản lý cũng như sự nóng lạnh của thị trường.
Cũng khó trách người tiêu dùng dùng sản phẩm của nông dân vì họ cũng có quyền được "tự vệ". Vấn đề ở chỗ, chính cơ quan quản lý cần phải có chiến lược, quy trình và phương pháp phù hợp, kịp thời công bố thông tin chính xác để không gây hoang mang trong xã hội và ảnh hưởng đến người nông dân. Những thông tin theo kiểu gặp đâu nói đấy, thiếu cân nhắc lợi hại ắt gây nên những hậu quả khôn lường. Mà vụ việc hóa chất tạo nạc hay tin cá diêu hồng nhiễm độc là một ví dụ.
Xây dựng một hệ thống chính sách bảo vệ sản xuất nông nghiệp đang là đòi hỏi cấp thiết nhằm bảo vệ quyền lợi cho nông dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.