(HNM) - Giữa trưa hè oi ả, trên dòng người và xe hối hả qua cầu Chương Dương, một ông già gặp tai nạn giao thông ngã vật xuống đường, đau đớn quằn quại, tay với lên trời vẫy gọi, miệng lẩm nhẩm
Một người đàn ông tấp xe vào lề đường trên cầu, bế ông già lên chiếc taxi. Anh chỉ kịp giao chiếc xe máy của anh và của người bị nạn cho một công an quận Long Biên vừa đi tới, đưa người bị nạn vào Bệnh viện 108. Nhờ được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân đã hồi phục, khi gia đình đến, anh bàn giao tài sản gồm: ví, điện thoại, giấy tờ, chìa khóa xe máy của người bị nạn rồi vội vã đi xe ôm về phía cầu Chương Dương lấy xe. Tôi chỉ kịp hỏi tên anh, anh trả lời: "Tôi đã về hưu, tên là Sơn", rồi ghi vội cho tôi số điện thoại để có cần gì giải quyết sau vụ tai nạn sẽ tiếp tục cộng tác.
Khi anh hòa vào dòng xe ngoài đường tôi chợt nhớ khoản tiền mà anh đã trả tiền cho chuyến xe chở nạn nhân chính là bạn tôi vào Bệnh viện 108 cấp cứu. Tôi lấy tờ giấy anh đưa cho tôi có ghi số điện thoại của anh, bấm máy được biết tên anh là Trần Hồng Sơn (trước đây công tác tại Tổng công ty Điện tử tin học, nay đã về hưu), nhà ở số 6 Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội. Khi tôi đề nghị đến thăm anh, anh từ chối, tôi chỉ nghe được ở đầu dây bên kia: "Việc nhỏ ấy mà, có gì mà phải đến tận nhà cảm ơn".
Trong cuộc sống nhiều vất vả, khó khăn, vẫn có những tấm lòng cao đẹp, sẵn sàng giúp đỡ người bị nạn. Tôi viết lại câu chuyện này để thay mặt nhà báo Trần Ấm, ông bạn già của tôi, tri ân anh. Để xã hội biết thêm một nét đẹp trong đời sống thường ngày hôm nay vẫn còn không ít những tấm lòng người Hà Nội: "Thương người như thể thương thân".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.