(HNM) - Thương mại hóa các sản phẩm khoa học và công nghệ là con đường ngắn nhất và có hiệu quả cao đưa tri thức từ các trường đại học vào thực tiễn, đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tuy nhiên, quá trình thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ của các trường đại học ở Việt Nam vẫn còn nhiều vướng mắc, cần được tháo gỡ.
Chưa tương xứng với tiềm năng
Việt Nam hiện có khoảng 237 trường đại học, học viện với hàng nghìn đề tài nghiên cứu khoa học các cấp được triển khai hằng năm. Mặc dù không ít trường đã đạt được nhiều thành công trong việc chuyển giao công nghệ, thương mại hóa các sáng chế, song theo đánh giá của các chuyên gia, kết quả này chưa tương xứng với tiềm năng.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, mô hình doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ (spin-off) đã tạo cơ chế thuận lợi để các nhà khoa học tự khởi nghiệp bằng chính các công nghệ của mình. Điều này đóng góp tích cực cho việc thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ, mở ra nhiều cơ hội kết nối sâu rộng, toàn diện giữa doanh nghiệp trong trường đại học với doanh nghiệp, đối tác trong và ngoài nước. Tuy nhiên, mô hình này chưa được các trường đại học, học viện quan tâm đúng mức, chưa thực sự có cơ chế để khuyến khích, thúc đẩy phát triển.
Được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép thí điểm, năm 2008, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã thành lập hệ thống doanh nghiệp sáng tạo (BK-Holdings). Thời gian qua, mô hình ươm tạo công nghệ và chuyển giao công nghệ của BK-Holdings đã đạt được những thành quả tích cực. Giám đốc ươm tạo BK-Holdings Phạm Tuấn Hiệp cho biết, chỉ tính riêng năm 2021, có 2 doanh nghiệp spin-off được thành lập, 3 công ty khởi nghiệp (startup) được đầu tư và 12 sáng chế được ươm tạo, thương mại hóa. Cũng theo ông Phạm Tuấn Hiệp, BK-Holdings không chỉ dừng lại ở việc thúc đẩy ra đời công ty spin-off hay những công ty startup, mà còn tăng cường khả năng kết nối, hợp tác với những tập đoàn công nghệ, hệ thống doanh nghiệp ở ngoài thị trường để triển khai những tài sản trí tuệ trong trường đại học.
Còn nhiều rào cản
Mới đây, Đại học Quốc gia Hà Nội đã công bố Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030, với 3 trụ cột chính: Tăng cường công bố quốc tế; đẩy mạnh chuyển giao và thương mại hóa sản phẩm khoa học, công nghệ; thúc đẩy thành lập doanh nghiệp spin-off. Theo Trưởng ban Khoa học và Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) Vũ Văn Tích, để đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ, nhà trường đang đẩy nhanh việc số hóa, lập bản đồ sản phẩm công nghệ. Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đang nghiên cứu thành lập Sàn giao dịch công nghệ theo hình thức hợp tác công - tư, với hy vọng sẽ tạo cú hích đẩy mạnh hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu, gắn kết nghiên cứu khoa học với cuộc sống.
Để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khu vực trường đại học, học viện, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, cần thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách thuận lợi để phát triển mô hình doanh nghiệp spin-off, trong đó cho phép các nhà khoa học được tham gia vào Ban quản lý điều hành doanh nghiệp spin-off; giao quyền cho các cơ sở nghiên cứu, trường đại học khai thác, sử dụng các sản phẩm của đề tài nghiên cứu từ nguồn ngân sách nhà nước và chịu trách nhiệm về nguồn kinh phí thu được cho tái đầu tư nghiên cứu.
Hiện một trong những rào cản lớn nhất cho phát triển mô hình doanh nghiệp spin-off là thiếu những văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến loại hình doanh nghiệp này. Muốn thực hiện đề án thử nghiệm liên kết “ba nhà” (Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học) thành lập các doanh nghiệp spin-off sẽ vướng bởi các quy định của 6 luật. Chẳng hạn, theo Luật Viên chức thì viên chức trong viện nghiên cứu, trường đại học công lập không được phép tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp, mà chỉ có thể tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp. Ngoài ra, khi áp dụng mô hình doanh nghiệp spin-off trong các trường đại học còn có vướng mắc liên quan đến phân chia lợi nhuận thu được từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu; về cơ chế quản lý viên chức tham gia thành lập doanh nghiệp trong các cơ sở nghiên cứu, đào tạo…
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong năm 2022 là nghiên cứu, đề xuất cơ chế thí điểm phát triển loại hình doanh nghiệp khoa học và công nghệ tại các viện nghiên cứu, trường đại học theo mô hình doanh nghiệp spin-off. Tăng cường gắn kết, hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với khu vực công nghiệp và doanh nghiệp để đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.