(HNM) - Mô hình thương mại điện tử (TMĐT) đang phát triển nhanh về số lượng, đặc biệt ở TP Hồ Chí Minh. Theo Sở Công thương, trên địa bàn thành phố có khoảng 86.000 website mua bán trực tuyến. Trên thực tế, con số này lớn hơn rất nhiều bởi còn một lượng lớn cá nhân cũng tham gia bán hàng online thông qua các trang mạng xã hội.
"Nút thắt" thanh toán
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, thị trường TMĐT tại Việt Nam đang phát triển nhanh với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên vẫn còn nhiều "nút thắt" trong hình thức thương mại này, điển hình là tỷ lệ thanh toán trực tuyến cho các đơn hàng còn thấp, chỉ chiếm 19% lựa chọn của người tiêu dùng. Trên thực tế, dù mua bán qua trang web nhưng các giao dịch chủ yếu thực hiện qua hình thức "tiền trao cháo múc", nghĩa là nhận hàng rồi thanh toán bằng tiền mặt. Người mua hàng lo ngại không thanh toán điện tử là bởi thiếu các cơ chế hỗ trợ để bảo đảm về chất lượng hàng hóa, dịch vụ sau khi đã thanh toán tiền trước.
Cần tăng cường biện pháp an ninh bảo mật; xây dựng hạ tầng chứng thực chữ ký số để bảo đảm an toàn, bảo mật cho các giao dịch thương mại điện tử... |
Trên thực tế trong ngành TMĐT, cách thức thanh toán bằng tiền mặt giữa người mua - người bán vẫn đang diễn ra một cách phổ biến. Chị Minh Ánh, nhân viên văn phòng ở quận 3 cho biết, không chỉ chị mà rất nhiều người trong cơ quan thường xuyên mua hàng qua các website bán hàng trực tuyến. Tuy nhiên, chị Minh Ánh cũng như những người khác đều không muốn chuyển khoản mà chỉ giao tiền khi đã thấy hàng hóa bởi sợ chuyển tiền mà không được giao hàng hoặc chất lượng hàng không như cam kết.
Ông Nguyễn Phát Vĩnh Lợi, Trưởng văn phòng đại diện Công ty CP Chuyển mạch tài chính quốc gia Việt Nam (Banknetvn) tại TP Hồ Chí Minh cho biết, đã phát hành ra thị trường khoảng 72 triệu thẻ, nhưng lượng "thẻ sống" (thẻ thực dùng) chỉ khoảng 50%, và chỉ 10% số này có thanh toán trực tuyến (khoảng trên 3 triệu thẻ). Ngoài lý do đã nêu, ông Lợi cho rằng người mua không muốn thanh toán trực tuyến là do hạ tầng thanh toán có vấn đề, gian lận về TMĐT chưa được xử lý triệt để. Theo thống kê của đơn vị này, đến cuối năm 2013, số website có phục vụ thanh toán online là khoảng 200 website, nhỏ hơn rất nhiều so với số website hiện có trên thị trường. Còn đại diện của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) lại nêu ra vướng mắc khác khi thanh toán điện tử. Chẳng hạn, khi khách hàng thanh toán qua Sacombank, chứng từ thanh toán in ra từ hệ thống có thông tin đầy đủ nhưng form (mẫu chứng từ) khác với form của cục thuế thì đơn vị này không chấp nhận làm hạn chế thanh toán trực tuyến từ khách hàng.
Tạo sự tin cậy cho người sử dụng
Một lý do quan trọng khác khiến người mua chưa mặn mà trong thanh toán trực tuyến là vì các gian lận trong lĩnh vực này, mà nhiều nhất là dữ liệu trên thẻ bị mất cắp. Theo Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) Bộ Công an, tội phạm diễn ra trong môi trường thương mại truyền thống đều xuất hiện trong thương mại điện tử nhưng hình thức tinh vi và phức tạp hơn. Chẳng hạn, quảng cáo, bán hàng trên các website, nhưng không giao hàng hoặc giao hàng không đúng chất lượng; đột nhập vào cơ sở dữ liệu của các nhà cung cấp dịch vụ TMĐT, các ngân hàng thanh toán qua mạng, các website bán hàng trực tuyến... để lấy thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng và các thông tin khác để trộm cắp, lừa đảo lấy tiền, trao đổi mua bán, sử dụng thông tin… Vì vậy, để tạo độ tin cậy và thu hút người sử dụng, đại diện C50 cho rằng, các đơn vị liên quan cần tăng cường bảo mật trong giao dịch. Theo đó, đưa ra các công cụ, phương tiện để kiểm tra, sát thực tin, cài đặt các phần mềm bảo mật và hoàn thiện quy định về an ninh, an toàn trong thanh toán TMĐT…
Theo ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho biết, TMĐT ngày nay đã trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Nhiều quốc gia đã xem TMĐT là một trong những động lực phát triển chủ yếu để tiếp cận và hội nhập vào nền kinh tế số. Ở Việt Nam, trong thời gian qua, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó có thanh toán điện tử đã được xác lập và tiếp tục hoàn thiện. Đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2011-2015 đặt mục tiêu đến cuối năm 2015 tỷ lệ người dân có tài khoản tại ngân hàng lên mức 35%-40% dân số; có khoảng 250.000 thiết bị chấp nhận thẻ được lắp đặt với số lượng giao dịch đạt khoảng 200 triệu giao dịch/năm. Cũng theo ông Bùi Quang Tiên, trong thời gian tới các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến thanh toán điện tử; hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ; tăng cường biện pháp an ninh bảo mật; xây dựng hạ tầng chứng thực chữ ký số để bảo đảm an toàn, bảo mật cho các giao dịch TMĐT… để thúc đẩy TMĐT phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.