(HNM) -
Nguyễn Quang Hưng vào Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội khi còn khá trẻ. Làm báo nhưng cây bút này vẫn lăn lộn ở những không gian văn hóa truyền thống như một người luôn muốn "dan díu" với nghệ thuật. Khi ở Hội Lim, Bắc Ninh, lúc cùng các nghệ sĩ ở sân khấu nước trong festival Huế... Nguyễn Quang Hưng viết thơ có lẽ cũng là để thỏa mãn những hành trình trong tâm tưởng đến với những không gian văn hóa tinh thần truyền thống - nguồn sinh dưỡng với mỗi người Việt.
Dễ thấy phảng phất những cảm xúc ấy ngay trong tên gọi của gần 60 bài thơ trong thi phẩm mới "Chia ngũ cốc" của anh như "Phật cô độc", "Vẽ tranh chùa", "Sân khấu", "Kịch sĩ", "Biểu diễn", "Xuân đồng", "Về chốn trần ai" (dâng cụ Hà Thị Cầu)... Thơ Nguyễn Quang Hưng lắm khi đọc như một cuộc độc thoại nội tâm, có khi câu chữ rất hiện đại nhưng không gian phảng phất một làn điệu, một gương mặt, một tiếng chuông... vọng về từ trong tiềm thức.
Cũng thấy tình yêu lan tỏa mạnh mẽ trong thơ Hưng là tình yêu giữa con người với con người, là mối quan hệ muôn đời giữa con người với thiên nhiên và với chính đời sống tinh thần của mình... Có lúc giật mình trước sự hóa thân của tác giả khi nói về người nghệ sĩ bên "Đèn cũ/Phông rách..." trong bài "Biểu diễn": "Hạnh phúc của chúng ta không phải lúc nào cũng ở cuối con đường/Hạnh phúc có ngay trong lúc này/Trong độ căng của những giọt nước mắt". Nói về câu hát, Nguyễn Quang Hưng cho rằng "Câu hát sinh ra/Ở trong ngấn nước ao lạnh/Ở trong khói đồng/Trong mùi mạ/Trong những đám bụi gỗ/Trong nút lạt buộc nhành cây...".
Nguyễn Quang Hưng được tắm mình ở cả hai vùng văn hóa lớn khi sinh ra, lớn lên ở quê lụa Hà Đông, nhưng ký ức bản quán qua lời kể gia đình lại vang vọng từ ngôi nhà ở 20 Hàng Mành, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Có thể nhặt đâu cũng thấy trong thơ Hưng những nỗi niềm trở đi trở lại như "câu hát", "sân chùa", "sênh phách", "tuổi em theo những hàng cau đi suốt nẻo bế bồng"... Bài "Bà bác": "Sáng nắng bạc/Trưa nắng vàng/Bà bác tôi nói thế/Bà bác 80 tuổi/Nghiện trầu ngồi nghiền vỏ trong cối/Mình một mình lầm rầm chuyện cũ...".
Một mảng thú vị là thơ biển đảo của Nguyễn Quang Hưng có những góc nhìn khác mang lại cảm xúc mới mẻ cho người đọc: "Thắp bằng lửa/Thắp bằng đèn/Bằng thời gian được đặt tên/Bằng ánh mắt những đời người/Đã tụ về nơi ấy..." (Hải Đăng). Và nữa, về người lính giữ biển, anh tự hỏi để giãi bày "Làng của anh ở đâu/Phố của anh ở đâu/Dòng sông anh những dải đồi/Khi tôi trở về bước trên đất liền/Ở đâu cũng thấy dáng anh đang đứng"... Trong "Mắt sóng Trường Sa" tưởng nhớ những chiến sĩ hy sinh vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, với anh "Mắt sóng mọc đến chân trời/Từ mắt những người lính/Mấy chục năm giữ đội hình dưới biển...".
Vẫn biết thơ đến và ở lại trong lòng người đọc còn cần sự đồng cảm và cộng hưởng của thẩm mỹ công chúng. Chỉ thấy rõ thơ Nguyễn Quang Hưng nhiều triết ngẫm và ngôn từ vẻ như lúc nào cũng chật chội trước những trăn trở, xao động. Khi những ngẫm nghĩ đủ sâu, lời bật ra giản dị là khi anh mang đến cho người đọc những phút dừng chân sâu lắng... Những phút dừng chân để thương hơn những mảnh hồn làng...!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.