(HNM) - Các sản phẩm hàng Việt càng có thương hiệu và uy tín lại càng bị làm giả, làm nhái khiến không ít DN điêu đứng.
Tuy nhiên, các sản phẩm càng có thương hiệu và uy tín lại càng bị làm giả, làm nhái khiến không ít DN điêu đứng. Trước thực trạng đó, năm 2014 lực lượng quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát các khu vực tập kết hàng hóa, đồng thời lập các chuyên án "đánh" vào các đường dây, ổ nhóm sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái.
Hàng Việt Nam ngày càng nâng cao uy tín và từng bước chiếm lĩnh thị trường trong nước. Ảnh: Bá Hoạt |
Theo kết quả điều tra của Tập đoàn Grey Group (Mỹ) về thị trường Việt Nam cách đây 4 năm, khi CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" chuẩn bị khởi động, có đến 77% người tiêu dùng (NTD) Việt ưa chuộng các thương hiệu nước ngoài. Đến nay, con số này đã đảo chiều với ưu thế thuộc về hàng Việt. Điều đó cho thấy, hàng tiêu dùng Việt đang từng bước chiếm ưu thế so với hàng ngoại nhập, nhất là trong lĩnh vực may mặc và ăn uống. Sự thay đổi trong tâm lý tiêu dùng của người dân về việc chọn lựa và sử dụng hàng Việt không chỉ cho thấy chất lượng hàng hóa sản xuất trong nước đã được nâng cao, mà còn thể hiện DN trong nước ngày càng làm tốt hơn công tác quảng bá thương hiệu, quản trị công ty.
Tuy nhiên, các sản phẩm càng có thương hiệu, uy tín trên thị trường lại càng bị làm giả, làm nhái. May Việt Tiến, May 10, Foci, gốm sứ Minh Long, khóa Việt - Tiệp, nhựa Bình Minh, Công ty TNHH Thế giới túi xách, Vinamit, Vĩnh Tiến, Mỹ Hảo, Trung Thành… đều là những thương hiệu có uy tín đã và đang phải đối phó với sự lấn lướt của hàng giả. Mỗi khi các DN ra mắt thị trường một sản phẩm mới, thì chỉ một thời gian ngắn sau thị trường đã có sản phẩm nhái y hệt với giá bán rẻ hơn nhiều. Thậm chí, lợi dụng CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", nhiều đối tượng sản xuất hàng giả, hàng nhái đã chủ động đặt hàng sau đó thay bao bì nhãn mác hàng Trung Quốc thành hàng của các DN sản xuất có uy tín của Việt Nam để tuồn vào tiêu thụ tại thị trường trong nước.
Trong năm qua, lực lượng QLTT Hà Nội đã xây dựng nhiều chuyên án kiểm tra, kiểm soát, xử lý hơn 8.500 vụ buôn lậu, sản xuất hàng giả, gian lận thương mại, thu về cho ngân sách hơn 107 tỷ đồng. Tuy nhiên, do còn nhiều bất cập trong công tác kiểm tra, kiểm soát như là lực lượng chuyên trách kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại… nhưng lại không có chức năng khởi tố hình sự, nên thẩm quyền của lực lượng QLTT bị hạn chế. Bên cạnh đó, lực lượng QLTT mỏng là một trong những điểm yếu của ngành hiện nay. Hơn nữa, vấn đề gây khó khăn nhất hiện nay là chức năng, quyền hạn của lực lượng QLTT ngày càng bị thu hẹp… đã ảnh hưởng đến kết quả triển khai của lực lượng.
Năm 2014, thị trường hàng hóa còn nhiều biến động, hàng giả, hàng nhái, đặc biệt là hàng buôn lậu, trốn thuế sẽ tiếp tục gia tăng… Theo kế hoạch, lực lượng QLTT Hà Nội sẽ tập trung kiểm tra các cửa hàng kinh doanh lớn, các điểm tập kết hàng lậu có số lượng lớn, để phát hiện, triệt phá những đường dây ổ nhóm buôn lậu lớn. Đồng thời, tăng cường kiểm soát việc chấp hành các quy định về giá đối với mọi tổ chức kinh doanh trên thị trường; kiểm tra, giám sát các điểm bán hàng bình ổn giá. Ngoài ra, Chi cục QLTT Hà Nội sẽ tổ chức kiểm tra chất lượng, xuất xứ hàng hóa theo từng chuyên đề cụ thể, trong đó chú trọng vào các mặt hàng tiêu dùng có giá trị cao, hàng Việt Nam chất lượng cao, nhằm ngăn chặn tình trạng sản xuất hàng giả, nhái nhãn mác hàng Việt. Về phía Nhà nước, cần hoàn thiện cơ chế phối hợp, bảo đảm huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, ngành. Các nghị định xử phạt hành chính phải thống nhất với Luật Xử phạt vi phạm hành chính để làm cơ sở cho lực lượng chức năng thực hiện tốt việc kiểm soát thị trường. Chính phủ cần tiếp tục cho phép các lực lượng chức năng tiếp tục trích một phần kinh phí từ nguồn thu phạt hành chính và tịch thu hàng hóa vi phạm để hỗ trợ các lực lượng chức năng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.