Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thương hiệu sản phẩm làng nghề: Đã ít, lại thiếu tính cạnh tranh

Hoài Thanh| 23/02/2010 07:04

(HNM) - Thương hiệu sản phẩm làng nghề không những góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tăng giá trị kinh tế mà còn bảo đảm sự bình đẳng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trong hội nhập kinh tế.


Tuy nhiên, ngày nay phần lớn các làng nghề phải đối mặt với nguy cơ phát triển thiếu bền vững và đánh mất uy tín vốn có từ lâu đời vì chưa đăng ký thương hiệu. Hiện nay, thành phố Hà Nội có 1.270 làng có nghề, trong đó có 272 làng đã được công nhận làng nghề, nhưng mới chỉ có sản phẩm bánh chưng của làng Tranh Khúc (xã Duyên Hà, Thanh Trì) đã đăng ký thương hiệu và công bố tháng 12-2009 vừa qua.

Ỷ lại vào sản phẩm truyền thống

Sản xuất hàng mây tre đan ở làng nghề Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ.
  Ảnh: Bá Hoạt


Ông Nguyễn Phương Thảo, Phó phòng Tiểu thủ công nghiệp và Làng nghề (Sở Công thương Hà Nội) cho biết, để tạo sức cạnh tranh cao trên thị trường, việc xây dựng thương hiệu cho mỗi sản phẩm làng nghề là việc làm khó khăn, vì nó đòi hỏi phải đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm... nhưng để sản phẩm phát triển bền vững, tránh hiện tượng làm hàng giả, hàng nhái thì phải có công nhận thương hiệu của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, nếp nghĩ của phần lớn các cơ sở sản xuất tại các làng nghề hiện nay đều cho rằng, sản phẩm đã có "truyền thống" lâu đời thì ắt sẽ được mọi người ghi nhận nên chưa quan tâm đến việc đăng ký thương hiệu. Có chăng chỉ là xây dựng logo, giới thiệu chỉ giới địa lý, mã số mã vạch nên tiềm năng của làng nghề chưa được đánh thức. Do phần nhiều các sản phẩm làng nghề chưa đăng ký thương hiệu, nên khi phát hiện hàng nhái, hàng giả, các cơ quan chức năng không thể bảo vệ quyền lợi cho người sản xuất. Mặt khác, tỷ lệ thành lập tổ chức làng nghề của các địa phương còn rất ít (chỉ có khoảng gần 10% số làng nghề) nên việc xây dựng chương trình quảng bá, tiếp thị sản phẩm còn hạn chế.

Xã Phú Nghĩa (Chương Mỹ) là một trong những địa phương có nghề truyền thống mây, tre đan từ lâu đời nên sản phẩm được nhiều khách hàng trong và ngoài nước biết tiếng. Đặc biệt, nơi đây còn là điểm du lịch làng nghề, được đón nhiều đoàn khách du lịch đến tham quan, bình quân mỗi năm đón gần 1.000 lượt khách, trong đó có hơn 30 lượt khách quốc tế. Thế nhưng khi sản phẩm này xuất khẩu lại phải qua các đơn vị khác làm khâu trung gian, nên thương hiệu không còn. Không những thế các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của làng nghề còn không tránh khỏi tình trạng bị động trong sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là bị đối tác ép giá khiến hiệu quả sản xuất không cao.

Cần tăng cường quảng bá và sự trợ giúp của chính quyền

Để giới thiệu, quảng bá sản phẩm của mình ở trong và ngoài nước, các doanh nghiệp sản xuất, các hộ gia đình ở làng nghề đã lập trang web riêng. Tuy nhiên, số hộ quan tâm đúng mức đến việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm chưa nhiều. Ông Nguyễn Hữu Trí, Phó phòng Quản lý chế biến nông sản và Ngành nghề nông thôn (Chi cục Phát triển nông thôn thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội) nhận định: Khó khăn chủ yếu là do việc sản xuất trong các làng nghề hiện nay còn manh mún, nhỏ lẻ, vẫn theo quy mô hộ gia đình, mạnh ai nấy làm, mẫu mã sản phẩm còn đơn điệu, tính thẩm mỹ chưa cao. Việc giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, trung tâm thương mại phải chi phí nhiều, vì vậy nhiều cơ sở sản xuất ở làng nghề chưa dám nghĩ đến việc quảng bá sản phẩm và xây dựng thương hiệu.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sản xuất nâng cao chất lượng, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, năm 2009, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp đã hỗ trợ 25 doanh nghiệp tham gia 3 hội chợ triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ, tổ chức 2 hội thảo đẩy mạnh xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ vào Nhật Bản; tổ chức giới thiệu 5 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới và nghiệm thu 11 đề án hỗ trợ đổi mới thiết bị và ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất. Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh sự cố gắng của các cơ sở sản xuất tại làng nghề và ngành chuyên môn, vai trò của các cấp chính quyền trong việc hỗ trợ xây dựng thương hiệu cũng rất quan trọng. Ông Nguyễn Đăng Doanh, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) cho rằng, gìn giữ và phát huy thương hiệu làng nghề là việc làm không đơn giản, cần có sự quan tâm của chính quyền địa phương, kết hợp với ý thức, lòng tự hào của người dân về nghề truyền thống của mình.

Để các làng nghề bứt phá vươn lên trong xu thế hội nhập cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các làng nghề để nhân lên sức mạnh thương hiệu. Đặc biệt, việc đăng ký thương hiệu sản phẩm phải được quan tâm đúng mức để tăng sức cạnh tranh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thương hiệu sản phẩm làng nghề: Đã ít, lại thiếu tính cạnh tranh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.