(HNM) - Hiện nay, có không ít doanh nghiệp (DN) thuộc các thành phần kinh tế đã đầu tư xây dựng thương hiệu nhằm tự khẳng định trên thương trường không những ở trong nước mà còn cả trên thị trường thế giới, như Bitis (giày dép); Vinamilk (sữa); Việt Tiến, An Phước (dệt may)...
Việc bảo vệ thương hiệu liên quan đến nhiều cấp, ngành khác nhau, song trước tiên vẫn phải từ các DN. Vì thế, DN cần phải lựa chọn rõ phân khúc của thị trường nhằm phân tích, đánh giá những sản phẩm nào có thể cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại để phát triển. Khi chọn xong sản phẩm để sản xuất phải đầu tư các trang thiết bị hiện đại nhằm nâng cao chất lượng, đồng thời phải coi khách hàng thực sự là "thượng đế", trên cơ sở đó có chế độ quảng bá thương hiệu, hậu mãi...
Theo các chuyên gia, hậu thuẫn cho DN là nhà nước. Vai trò của Nhà nước là ngăn chặn những sự cạnh tranh không lành mạnh. Vì thế, các ngành chức năng cần phải có biện pháp xóa tận gốc nạn hàng giả, hàng nhái để bảo vệ cho thương hiệu mà DN đã đầu tư xây dựng. Hiện nay, hàng lậu, hàng giả... đang vào thị trường trong nước bằng nhiều đường khác nhau. Do đó, cho dù các DN chăm lo cho thương hiệu của mình, nhưng hầu hết người tiêu dùng chỉ có mức sống bình thường, thậm chí còn nghèo, thì họ sẽ không có sự lựa chọn nào khác là mua hàng nhái giá rẻ. Từ đó, công sức của các DN bỏ ra xây dựng thương hiệu sẽ chỉ như... "dã tràng xe cát".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.