(HNM) - Những năm gần đây, làng nghề may mặc Thượng Hiệp, xã Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ) luôn tấp nập, sôi động.
Không chỉ là nghề phụ, giải quyết việc làm lúc nông nhàn, trong nhiều năm qua, nghề may mặc, thú nhồi bông ở thôn Thượng Hiệp đã phát triển thành nghề chính, mang lại thu nhập cao cho nhiều gia đình. Theo ông Nguyễn Anh Huân, Bí thư chi bộ cụm 1, thôn Thượng Hiệp, hàng chục năm qua, người dân trong thôn luôn thực hiện chính sách phát triển kinh tế "ly nông bất ly hương". Toàn thôn Thượng Hiệp có khoảng 1.300 hộ dân, hơn 5.000 nhân khẩu, thì có tới 95% số hộ làm nghề may mặc, kinh tế - xã hội của thôn rất phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao.
Sản xuất quần áo tại Cơ sở may mặc Ngọc Du. |
Năm nay mới ngoài 30 tuổi, nhưng anh Nguyễn Ngọc Du, ở cụm 1 đã là chủ một xưởng cắt may có tiếng ở Thượng Hiệp. Anh Du cho biết: "Nghề may mặc ở đây phát triển mạnh từ năm 2000, nhưng thời kỳ hưng thịnh nhất của làng nghề là từ năm 2010 đến nay, có thời gian các cơ sở sản xuất trong làng làm hết công suất mà vẫn không đủ cầu". Cơ sở của anh Du luôn có khoảng 20 lao động làm việc ổn định, sản xuất đủ các loại quần áo người lớn và trẻ em, chất lượng từ bình dân đến cao cấp, tùy theo nhu cầu khách hàng. Cơ sở của anh Du mỗi tháng xuất đi 10.000 sản phẩm, doanh thu hơn 100 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 20-25 triệu đồng/tháng. Cũng phát triển nghề may, nhưng gia đình chị Nguyễn Thị Hoa, ở cụm 1 lại chuyên sản xuất quần áo mùa đông. Mỗi năm chỉ hoạt động 5-6 tháng, những tháng còn lại gia đình nghiên cứu mẫu mã mới chuẩn bị cho đợt sản xuất năm sau. Kết thúc vụ thu đông 2013-2014, doanh thu của gia đình chị Hoa đạt hơn 1 tỷ đồng, lợi nhuận 200 triệu đồng. "Do hai vợ chồng tôi đều là giáo viên nên không mở xưởng sản xuất tại gia đình mà mua vải về cắt và giao cho lao động ở các nơi đến nhận hàng về nhà gia công. Sản phẩm là áo rét, bán buôn cho các trung tâm thương mại, chợ và các siêu thị trong nội thành" - chị Hoa cho biết.
Ngoài giải quyết việc làm cho lao động trong thôn, làng nghề Thượng Hiệp còn tạo việc làm ổn định và thu nhập cao cho khoảng 2.000 lao động của các xã Hiệp Thuận, Liên Hiệp, Ngọc Tảo, Phụng Thượng (huyện Phúc Thọ), Canh Nậu, Đại Đồng, Lại Thượng (huyện Thạch Thất); thậm chí có cả người ở các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Bình... cũng đến nhận hàng về gia công. Nhờ sự phát triển ổn định, thu nhập từ nghề may mặc đã trở thành nguồn thu chính không chỉ của thôn Thượng Hiệp. Nếu như năm 2011 thu nhập của người dân mới đạt gần 17 triệu đồng/người, thì đến năm 2013 đã đạt 23 triệu đồng/ người. Tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt, từ 2,9% năm 2011, đến năm 2013 chỉ còn 1,4%. Có khoảng 40% số hộ gia đình trong thôn có thu nhập từ 100 triệu đến 500 triệu đồng/ năm. Nhờ phát triển nghề may truyền thống, nhiều hộ gia đình đã mua được nhà ở nội thành cho con học đại học như gia đình anh Trần Huy Hiền, Nguyễn Duy Thìn, Trần Huy Mạnh... Để duy trì, phát triển và mở rộng làng nghề, trong thời gian tới, xã Tam Hiệp sẽ mở các lớp dạy thiết kế, sáng tạo các mẫu mới, nhằm nâng cao tay nghề cho lao động, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới sản xuất các mặt hàng cao cấp và xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề may mặc Thượng Hiệp.
Song song với phát triển kinh tế, các hoạt động văn hóa - xã hội ở Thượng Hiệp cũng được chú trọng và đây là nhân tố quan trọng thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Hằng năm, cụm dân cư luôn được công nhận danh hiệu văn hóa, là địa bàn "trắng" tệ nạn xã hội, những tệ nạn như nghiện hút ma túy, mại dâm không "len" được vào các khu dân cư... Có được kết quả này, theo Bí thư chi bộ cụm 1 Nguyễn Anh Huân là cùng với phát triển kinh tế, Thượng Hiệp đã tạo được các sân chơi bổ ích, lành mạnh và thiết thực cho mọi tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, trong thôn đã thành lập được Câu lạc bộ Thơ văn của Chi hội Người cao tuổi thu hút 45 hội viên tham gia; đội múa lân sư rồng thường xuyên được mời đi biểu diễn trong huyện và TP Hà Nội; Câu lạc bộ Múa trống cổ của Hội Phụ nữ, Câu lạc bộ Bóng đá của Đoàn thanh niên... hằng năm vận động đóng góp được khoảng 150-200 triệu đồng để tổ chức các giải thi đấu thể thao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.