(HNM) - Từ năm 2008, quy định về quản lý sử dụng chung cư đã được Bộ Xây dựng ban hành. Thế nhưng cho đến nay, vấn đề này tại nhiều chung cư vẫn còn bỏ ngỏ khiến người dân chịu nhiều thiệt thòi.
Nhiều dịch vụ tại các chung cư hiện nay còn độc quyền, gây khó khăn cho người dân. |
Người dân lãnh đủ
Chị Thu Hương, vừa dọn về ở căn hộ Thái An (quận 12, TP Hồ Chí Minh) cho biết, chung cư này chỉ có một nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cáp là SCTV. Vốn đã quen dùng truyền hình cáp của công ty khác, tuy nhiên, chị cũng phải chấp nhận bởi nghĩ các nhà đài đang cạnh tranh nhau nên chất lượng cũng tương đương nhau. Gọi nhân viên đến lắp đặt xong, chị giật mình khi hóa đơn tính tiền phí hòa mạng là 700.000 đồng. Đó là lắp một tivi, nếu thêm chiếc thứ hai thì thêm 120.000 đồng. Chưa hết, nhân viên còn thu luôn 2 tháng cước phí dù chị chưa sử dụng. Thắc mắc, chị được nhân viên trả lời "chính sách của công ty là vậy". Kiểm tra hợp đồng, hóa đơn cẩn thận, chị cũng đành bấm bụng cho qua. "SCTV đang quảng cáo là phí hòa mạng mới của tivi chính (trọn gói 3 tivi) là 165.000 đồng, từ tivi thứ tư trở đi là miễn phí. Nếu khách hàng đóng trước 3 tháng cước thuê bao thì sẽ được miễn phí hòa mạng, áp dụng tất cả khách hàng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Vậy mà vì ở chung cư nên phải đóng khoản tiền không phải là nhỏ này", chị Thu Hương bức xúc.
Không chỉ truyền hình cáp, internet của khu chung cư này cũng chỉ có duy nhất dịch vụ của SPT. Dịch vụ này ở chung cư cũng thật "độc đáo" khi công ty để sẵn hợp đồng ở phòng làm việc của Ban Quản lý chung cư, người sử dụng chỉ việc điền thông tin vào hợp đồng rồi gửi lại. Sau đó thì… chờ! Sốt ruột, chị Hương gọi điện hỏi thì được biết một tuần công ty cử nhân viên đến lấy hợp đồng 3 lần. Thời gian chờ lắp đặt của chị Hương khoảng 4 ngày. Tuy nhiên, khi nhân viên lắp đặt xong, chỉ giao tờ biên bản nghiệm thu, chị Hương hỏi hợp đồng thì nhận được câu trả lời là chưa có.
Chung cư Thái An không phải là cá biệt mà gần như hầu hết các chung cư trên địa bàn TP Hồ Chí Minh như chung cư 234 Phan Văn Trị (quận Bình Thạnh), chung cư 4S (quận Thủ Đức), chung cư Ngô Tất Tố (quận Bình Thạnh)… đều bị độc quyền internet, truyền hình cáp, giữ xe…
Chính sách không theo kịp thực tiễn
Theo Quyết định số 08/2008/QĐ-BXD về quản lý nhà chung cư thì việc ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ quản lý vận hành chung cư là do BQT quyết định. Tuy nhiên, BQT chỉ được bầu ra khi chung cư đã xây dựng xong, trong khi các chung cư thì đường cáp đều đi chìm vào tường từ đầu nên việc có thêm một nhà cung cấp khác vào là rất khó. Đó là chưa kể, nhiều chủ đầu tư cố tình không tổ chức hội nghị chung cư để bầu BQT hoặc đã bầu nhưng trì hoãn bàn giao quyền quản lý khiến cư dân phải "ngậm bồ hòn làm ngọt" sử dụng dịch vụ giá "cắt cổ" do ban quản lý chỉ định. Rất nhiều nơi đã xảy ra tranh chấp vấn đề này như chung cư 4S của Công ty TNHH Xây dựng Thành Trường Lộc. Từ năm 2011, UBND quận Thủ Đức đã ký quyết định công nhận BQT của chung cư 4S nhưng cho đến thời điểm này hàng loạt vụ tranh chấp vẫn xảy ra vì chủ đầu tư trì hoãn không bàn giao quyền quản lý chung cư. Đến nỗi, Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên - Môi trường thành phố đã phải vào cuộc, yêu cầu chủ đầu tư chuyển giao quyền quản lý chung cư cho BQT nhưng cho đến thời điểm hiện tại chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện! Tại chung cư 234 Phan Văn Trị, anh Nguyễn Văn Minh, một cư dân ở đây cho biết, anh đã dọn về ở khoảng 10 năm nhưng cuộc họp bầu BQT thì chỉ vừa diễn ra cách đây khoảng… một tháng!
Theo Ban Chỉ đạo chính sách nhà ở và thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh hiện tình trạng tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư liên quan đến việc cung cấp dịch vụ cho nhà chung cư, mức phí dịch vụ quản lý vận hành cũng như việc tổ chức hội nghị chung cư, thành lập BQT chậm diễn ra khá phổ biến. Cũng theo đơn vị này, Quyết định 08 của Bộ Xây dựng quy định mức thu phí quản lý vận hành và dịch vụ của từng chung cư là theo khung giá của UBND thành phố. Tuy nhiên đến nay, UBND TP Hồ Chí Minh vẫn chưa ban hành khung giá này. Đối với việc tổ chức hội nghị và bầu BQT chậm, nguyên nhân là do số lượng cư dân tham gia không đủ (không đạt 50%), hoặc do chủ đầu tư còn sở hữu nhiều phần riêng trong khu chung cư, muốn giữ quyền quản lý kinh phí bảo trì 2%, muốn giữ quyền vận hành tòa nhà… Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo cho rằng, nguyên nhân mấu chốt xảy ra nhiều tranh chấp trong quản lý vận hành nhà chung cư là do Luật Nhà ở chưa theo kịp với tình hình thực tế. Cụ thể, chưa có quy định chế tài đối với chủ đầu tư cố tình cung cấp dịch vụ độc quyền, không tổ chức hội nghị nhà chung cư…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.