(HNM) - Xin mượn lời của một nhà thơ nữ
Bi kịch và sự thúc đẩy
Trong bút ký "Tôi và đàn bà", Lê Minh Quốc viết: "Và tôi, những gì đã viết từ "Gái đẹp trong tôi" đến "Tôi và đàn bà" cũng chỉ là lòng thành kính và sự biết ơn khi nghĩ về thân phận "Đau đớn thay phận đàn bà".
Bút ký “Tôi và đàn bà” của Lê Minh Quốc. |
Phải nói, viết về phụ nữ không phải để tạo nên một sự đối lập với nam giới. PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái đã có lần trả lời trên truyền thông rằng, khi người ta viết, người ta không bị thôi thúc bởi một thứ duy lý là "tôi đang viết về quyền phụ nữ đây". Tôi chỉ bị thôi thúc bởi bi kịch. Quả thực là như vậy và phải đúng là như vậy thì văn học mới chạm được đến chốn thẳm sâu của tâm tư con người.
Không phải ngẫu nhiên giải Nobel văn học năm nay được trao cho một bậc thầy về truyện ngắn, mà ở đây những gì tinh tế nhất của tâm hồn đàn bà, của con người đã được soi rọi…
Có lẽ nên mở lại tập truyện ngắn mới nhất của Đỗ Bích Thúy - "Đàn bà đẹp". Bóng dáng người phụ nữ xuất hiện ở những không gian sống khác nhau. Một người đàn bà đẹp, rất đẹp, đã có một chồng, hai con, ngồi trong xe Audi. Một cô gái Mông tên Súa ở mãi vùng cao, yêu một người và bị một người khác cướp về làm vợ… Cả hai người đàn bà này đều có thừa nỗi cô đơn, khắc khoải về hạnh phúc. Người đàn bà đẹp ngồi Audi, sau cơn ghen của chồng đã thầm nghĩ: "Nó có thể bào mòn nàng, có thể biến hóa nàng, collagen cũng chả giúp gì được cho nàng". Hay như Súa, cô để người đọc chạm tới những cảm giác có khi chỉ thoảng qua nhưng đau như một mũi kim chích vào da thịt. "Súa không ghét Phống nữa, cảm giác buồn nôn cũng thôi quay trở lại, chỉ có một sự trống rỗng như cái chõ gỗ đã vét hết mèn mén, một hạt li ti cũng không còn…".
Cảm giác ấy, sự trống rỗng ấy và những bi kịch ấy có phải là một trong những ngóc ngách biến động trong tâm lý người đàn bà mà người viết phải chạm tới, phải lý giải được? Sau mỗi số phận này có phải là nhận thức về hạnh phúc, một sự trỗi dậy, hoặc giả là bi kịch của sự va đập đi lên của xã hội?
Đọc, xem cái bi kịch đàn bà trong truyện (đã được chuyển thể thành phim) "Trăng nơi đáy giếng" của Trần Thùy Mai thì đến đàn bà cũng phải bàng hoàng. Và nữa, thơ Vi Thùy Linh là một ví dụ tiêu biểu về khát khao hạnh phúc, một mâu thuẫn ghê gớm trong người phụ nữ.
Cởi mở hơn, hiện đại hơn, được giải phóng hơn nhưng liệu người đàn bà trong văn học hôm nay đã hạnh phúc hơn, bớt cô đơn hơn?
"Một mình em một chiều mưa/ Một mình em với một trưa rối bời…/Thôi thì chỉ một mình thôi/Một mình với một mình ngồi với nhau" - thơ Minh Thông. Rồi Nguyễn Ngọc Tư cũng viết: "Sáo chỉ còn một mình. Một mình!" trong truyện ngắn "Nước như nước mắt". Phan Việt, với những vấn đề hôn nhân thẳng thắn, đã chia sẻ nỗi day dứt trong tập sách mà lúc đầu người ta tưởng là sách du ký - "Một mình ở Châu Âu". Tập hai tới đây, như chị chia sẻ thì sẽ còn nhiều câu chuyện dữ dội hơn, khổ đau hơn…
Vẫn là thách thức
Văn học đương đại ngày một đề cập nhiều hơn tới góc khuất trong số phận người phụ nữ, thậm chí là chạm tới những vấn đề có tính gốc rễ của xã hội Phương Đông. PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái nói về "Gia đình bé mọn" của Dạ Ngân: "Đó cũng là cách để văn học lý giải những bi kịch trong xã hội hiện đại bằng sự sáng suốt, hòng đi tới những điều tốt đẹp". Như Nguyễn Ngọc Tư đã để Sáo của mình bơi theo người đàn ông cô yêu: "Cả hai cứ ào xuống bơi về phía bờ mà ai cũng biết là đã không còn bờ từ nước đuổi"…
Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại với sự va đập văn hóa dữ dội đang đặt con người, nhất là thực thể nhạy cảm - đàn bà, trước vô vàn thách thức. Không còn "quanh năm buôn bán ở mom sông" nữa, người đàn bà có thể ngồi sau tay lái Mercedes, bật nhạc thật to và… khóc! Nhà văn mở cánh cửa tâm tư của họ, chỉ ra những khoảng lặng tâm hồn, những mâu thuẫn, dằn vặt, đau đớn mà lắm khi tự mình làm khổ thân mình của họ… Nguyễn Việt Hà, trong tản văn "Đàn bà uống rượu", với giọng giễu nhại đã ít nhiều gợi mở nỗi xót xa này. Không kể đúng - sai, không nói hơn - thua, cảm giác tận cùng sau tất cả mọi câu chuyện là ngân ngấn nước - nước mắt của thân phận đàn bà, lúc nào cũng thúc giục văn học lắng nghe hơn nữa, chia sẻ hơn nữa… Như Lê Minh Khuê với câu chuyện về người phụ nữ nông thôn thuần chất trước sự xâm nhập của đô thị hóa. Như Nguyễn Phan Quế Mai với những gợi ý về tâm tư, tình cảm của một người vợ, người mẹ trong một gia đình "liên hợp quốc"…
Và, một thách thức khác, quan trọng nhất đối với văn học, là nếu có đặt vấn đề tận cùng đau khổ thì cũng chỉ là để thương yêu hơn, nhân hậu và bao dung hơn. Tác phẩm nào phơi bày sự đau khổ của đàn bà ra… chỉ để phơi bày, làm thứ câu "view", trang điểm hay làm "mốt"… thì chắc chắn đó không phải là văn học. Cảm thức về người phụ nữ trong tác phẩm văn học cũng phải là trân trọng, yêu tin những giá trị tốt đẹp của đàn bà, như lời thơ đã mượn làm tiêu đề bài viết này: "Thương bông Quỳnh nở trong đêm/Một mình thơm hết nỗi niềm gió mưa!".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.