(HNM) - Thời gian qua, thông tin chuối ở khu vực phía Bắc, chôm chôm, thanh long, xoài, sầu riêng… ở khu vực phía Nam sử dụng thuốc thúc chín khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng. Vậy các loại thuốc thúc chín là gì và mức độ nguy hại đến đâu?
Mô hình trang trại đa canh của gia đình chị Nguyễn Thị Doan, thôn Đồi Dùng, xã An Phú (Mỹ Đức) có quy mô 9,7 mẫu, ngoài diện tích trồng sen, nuôi cá, gia cầm, toàn bộ diện tích bờ bao được tận dụng trồng 400 gốc đu đủ. Chị Doan cho biết: Tỷ lệ đu đủ chín cây rất ít, thương lái thường cắt quả xanh tại vườn, không rõ sẽ bán quả xanh hay chín ra thị trường. Tuy nhiên, chị Doan cũng có lần tận mắt chứng kiến thương lái sử dụng thuốc thúc chín khi cho quả vào thùng xốp.
Sử dụng thuốc thúc chín có nguồn gốc rõ ràng với mức độ hợp lý sẽ không gây hại tới sức khỏe. |
Theo thông tin từ các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hoa quả, không thể chờ từng trái cây chín rồi mới chế biến, nhất là các loại trái cây khó chín đồng loạt. Vì vậy, doanh nghiệp phải áp dụng thành tựu khoa học, công nghệ sinh học bảo đảm an toàn để làm trái cây chín đồng đều. Tuy nhiên, do thiếu thông tin nên người tiêu dùng Việt Nam cứ nghe đến "thuốc thúc chín" là lo ngại. GS.TS Nguyễn Quang Thạch, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Sinh học nông nghiệp (thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho biết, không nên đánh đồng việc sử dụng hóa chất sinh học là độc hại. Hóa chất sinh học là sản phẩm của thành tựu công nghệ sinh học, nếu sử dụng những chất được công nhận an toàn sẽ không gây hại cho sức khỏe con người. Ví dụ như ethephon, chất thúc chín được sử dụng phổ biến ở Việt Nam, đã được các nước trên thế giới sử dụng rộng rãi trong ngành trồng trọt để kích thích sự chín đều và đồng loạt của các loại quả, tạo điều kiện cho công nghệ chế biến sau thu hoạch.
Những thông tin GS.TS Nguyễn Quang Thạch đưa ra trùng với nội dung được bàn thảo tại buổi tọa đàm khoa học về ethephon do Hiệp hội Doanh nghiệp nông nghiệp trang trại nông thôn Việt Nam và Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức mới đây. Theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn nông nghiệp nhiệt đới, ethephon không gây độc hại nếu sử dụng đúng liều lượng, đúng giai đoạn, sử dụng sản phẩm có thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Không nên dùng ethephon ép chín trái cây quá nhanh. Cụ thể, thay vì ép chín trong 1 ngày, nông dân nên sử dụng liều lượng cho quá trình chín trong 3 - 4 ngày. Đồng thời, chế phẩm này cũng có thể loại bỏ dễ dàng bằng cách rửa sạch, nên người tiêu dùng có thể hoàn toàn yên tâm.
Ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết: Về loại thuốc dấm ủ quả, hay còn gọi là "thuốc thúc chín", ở Việt Nam chưa có một quy định sử dụng cho loại thuốc này. Thời gian qua, cơ quan chức năng phát hiện những loại thuốc thúc chín trái cây nhập lậu, ngoài danh mục cho phép. Qua phân tích có chất ethrel, đây là chất xúc tác như etylen chứ không phải là chất kích thích sinh trưởng, có tác dụng chuyển hóa tinh bột quả thành đường. Thuốc này về cơ bản không độc hại. Tuy vậy, ở Việt Nam, loại thuốc này mới chỉ được phép áp dụng trên cây cao su. Vì vậy về mặt pháp lý không được phép sử dụng trên hoa quả. Thuốc này có độc hại hay không hiện nay chưa có câu trả lời, bởi chưa có đánh giá tác động. Việc đánh giá, nghiên cứu thuộc về Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Vì vậy, có thể nói, Việt Nam chưa cho đăng ký một loại thuốc thúc chín quả nào.
Ông Hồng đồng tình với quan điểm của nhiều nhà khoa học đã khẳng định không phải thuốc thúc chín nào cũng có hại. Tuy nhiên, phải thừa nhận, cơ quan nhà nước còn né tránh vấn đề nhạy cảm này nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Nếu có đầy đủ chứng cứ, dẫn chứng khoa học, có thử nghiệm, đánh giá với từng loại thuốc, quy trình sử dụng..., có thể công bố và đưa vào danh mục thuốc quản lý.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.