(HNM) - Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo tình hình và kết quả thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2011 của Chính phủ cuối tuần qua, vị đại diện của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH đã thẳng thắn nhìn nhận:
Lãng phí không phải thứ bệnh lạ. Hàng loạt giải pháp để phòng bệnh và chữa bệnh lãng phí đã được đưa ra và những tưởng sau khi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đi vào cuộc sống (năm 2005), thứ bệnh kinh niên kia sẽ có cơ thuyên giảm. Thế nhưng... Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ đều cho thấy, hiện tượng lãng phí đang tồn tại ở tất cả các khâu trong quá trình đầu tư: từ lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư… đến quyết toán công trình. Việc triển khai quá nhiều dự án với tổng mức đầu tư lớn trong điều kiện nguồn ngân sách có hạn, dẫn đến tình trạng phải chuyển nguồn tiếp, kéo dài thời gian thi công không chỉ gây lãng phí lớn cho ngân sách. Đơn cử như vốn trái phiếu Chính phủ vẫn còn 344,2 tỷ đồng bố trí cho 333 dự án khởi công mới sai đối tượng…
Sự lãng phí về nguồn lực đầu tư của Nhà nước vào các doanh nghiệp nhà nước là câu chuyện đã được công luận nhiều lần đề cập. Khoan nói đến chuyện của ngành điện, ngành than khoáng sản, chỉ xung quanh vụ Vinashin vẫn còn rất nhiều vấn đề để bàn thảo, để rút kinh nghiệm. Hậu quả thế nào? Các nhà quản lý hiểu hơn ai hết. Con tàu Vinashin sụp đổ đã chôn vùi hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước và cũng là tiền đóng thuế của nhân dân. Còn bao nhiêu nữa, những doanh nghiệp ngập trong "bầu sữa mẹ" để rồi làm ăn thua lỗ đang nằm đợi kết quả Kiểm toán Nhà nước? Không ai có thể tính hết con số này.
Lãng phí lớn nhất có lẽ là trong lĩnh vực đất đai. Nhiều cơ quan nhà nước sử dụng đất đai một cách vô tội vạ, quản lý yếu kém đến nỗi bị lấn chiếm, rồi chuyển nhượng đất đai sai mục đích… Chỉ riêng tại TP Hồ Chí Minh, trong tổng số 20 triệu mét vuông nhà, đất công đang giao cho các cơ quan nhà nước quản lý, sử dụng đã có tới trên 10% diện tích đất bị bỏ hoang. Cũng qua kiểm tra 9.970 địa điểm nhà đất do cơ quan, đơn vị của địa phương này quản lý, đã phát hiện tới 523 địa điểm bị bỏ hoang. Chưa kể hàng chục dự án, khu công nghiệp, sân gold để đất hoang hàng chục năm vì chủ đầu tư không có tiền… "Dự án treo", "quy hoạch treo", hầu như tỉnh, thành phố nào cũng có.
Nguy hiểm hơn, căn bệnh lãng phí không chỉ ăn sâu vào đời sống của những người có thế, có tiền mà trải rộng từ thành thị đến nông thôn với đủ kiểu ăn tiêu xa hoa, hội hè, đình đám… Đáng buồn, nhiều người không có của ăn, của để cũng nhiễm thói phô trương để bằng mặt với trong họ, ngoài làng, chứ nhất định không "năng nhặt, chặt bị" như các cụ ngày xưa dạy. Vấn đề không chỉ là những chiếc xe sang trọng, những chai rượu đắt tiền…, một xã hội coi nặng vật chất và tư tưởng hưởng thụ sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy. Đặc biệt trong bối cảnh đất nước còn nghèo, còn phải "thắt lưng buộc bụng".
Lãng phí là vô trách nhiệm, lãng phí làm tổn hại sức mạnh của dân tộc, làm chậm sự phát triển của đất nước, nhưng ở nhiều nơi, việc tiết kiệm, chống lãng phí chỉ là lời nói suông. Phải làm gì để tiết kiệm, chống lãng phí trở thành nếp sống của mỗi người dân và của cả cộng đồng, từ người đứng đầu, cán bộ, công chức, đảng viên cho đến người dân, nhất là giới trẻ? Trước hết những người có trách nhiệm với quốc gia, dân tộc phải trả lời câu hỏi này.
Căn bệnh lãng phí đang cần có kháng sinh đặc biệt để điều trị!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.