(HNM) - Hai vụ việc gây ồn ào trong và ngoài sân cỏ thời gian gần đây của bóng đá Việt Nam khiến nhiều người phải đặt câu hỏi: Phải chăng vấn đề đạo đức trong làng bóng đá nước nhà đang bị coi nhẹ?
Chuyện như "cơm bữa"
Trong lịch sử 14 kỳ giải chuyên nghiệp (V.League), chưa bao giờ bóng đá Việt Nam liên tiếp phải đối mặt với các vụ dàn xếp tỷ số như thời gian qua. Chỉ trong vòng 4 tháng, hai vụ việc cầu thủ dàn xếp tỷ số để thắng độ đã xảy ra tại CLB The Vissai Ninh Bình và Đồng Nai bị phanh phui, khiến bóng đá nước nhà nổi tiếng thế giới ở góc độ… cầu thủ làm độ. Đáng chú ý hơn cả là vụ việc của Đồng Nai xảy ra ngay trong bối cảnh vụ dàn xếp tỷ số, bán độ ở CLB The Vissai Ninh Bình (trong trận đấu với CLB Kelantan của Malaysia tại AFC Cup) bị phanh phui, vẫn đang trong quá trình chờ xét xử. Sự liều lĩnh, coi thường luật chơi cũng như khán giả của nhóm cầu thủ Đồng Nai càng thấy rõ "cơn trọng bệnh" của bóng đá Việt Nam nặng đến mức nào. Ở đó, chuyện cá độ và bán đứng đội nhà, làm giàu cho bản thân đã trở thành quen thuộc?! Các cầu thủ tham gia làm độ đều không thiếu tiền, có người còn có gia cảnh khá giả. Nhưng họ vẫn thích kiếm nhiều tiền hơn bằng mọi cách, kể cả theo cách thiếu đạo đức nghề nghiệp nhất. Thế nên, mới có chuyện nhiều người không bất ngờ khi nhận thông tin nhóm cầu thủ The Vissai Ninh Bình, Đồng Nai bị công an bắt vì bán độ, dàn xếp tỷ số. Thậm chí, nhiều phóng viên theo dõi bóng đá nam từ nhiều năm nay cũng "cạch" chuyện viết chân dung một cầu thủ nào đó vì sợ có ngày "hố" to. Cuối cùng, họ đã không nhầm. Đấy là điều đau xót cho bóng đá nước nhà.
Khi những vụ việc bán độ chưa kịp lắng xuống, người hâm mộ lại phải chứng kiến những câu chuyện buồn không kém. Đó là những dích dắc muôn thuở trong quan hệ HLV - cầu thủ - trọng tài. Gần nhất là chuyện cầu thủ, HLV CLB H.An Giang đưa ra những lời lẽ thiếu văn hóa với trọng tài chính Phùng Đình Dũng ở trận H.An Giang - Than Quảng Ninh. Thậm chí, trọng tài còn bị một nhân viên của BTC sân An Giang "đòi" đánh. Vụ việc này nhanh chóng được Ban Kỷ luật (LĐBĐ Việt Nam - VFF) xử lý và ra quyết định kỷ luật… Cùng với vụ việc ở sân An Giang là hàng loạt vụ khác liên quan đến phản ứng trọng tài. Gần nhất là việc tiền vệ Nguyễn Minh Châu (Hải Phòng) bị treo giò 4 trận vì buông những lời khó nghe với trọng tài ở trận SHB Đà Nẵng - Hải Phòng. Và rồi sau mỗi sự vụ vẫn là cách xử lý theo một vòng quay nhàm chán: Cầu thủ, HLV phạm lỗi ứng xử rồi Ban Kỷ luật lại vào cuộc. Sẽ tốt hơn nhiều nếu Ban Kỷ luật không phải đưa ra án còn những người tham gia cuộc chơi làm đúng chức phận của mình.
Ngoài những vụ việc kiểu như trên, bóng đá Việt Nam mùa này còn phải chứng kiến quá nhiều hành vi thô bạo trong thi đấu. Đỉnh điểm là màn xô xát giữa Hà Nội T&T với Hải Phòng, khiến hàng loạt cầu thủ phải nhận án phạt nặng. Chưa kể, câu chuyện thành viên Ban huấn luyện đội bóng trẻ của Hà Nội T&T đánh nhau với tài xế taxi tại Huế sau khi kết thúc giải càng khiến người ta lo ngại hơn về công tác đào tạo cầu thủ trẻ. Hình ảnh người thầy như vậy thì học trò cũng bắt chước theo là điều dễ hiểu.
Một số cầu thủ đội Đồng Nai đã bị khởi tố vì tội đánh bạc. Ảnh: Thái Sơn |
Bệnh đấy, thuốc nào?
Cách giải quyết những vấn nạn của bóng đá Việt Nam đã được đề ra từ lâu và nếu làm đúng, làm nghiêm thì không ra cơ sự như bây giờ. Vấn đề là cách xử lý nửa vời của những người có trách nhiệm đã làm bệnh thêm nặng.
Chuyện cầu thủ Việt Nam làm độ đã được nói đến từ rất lâu. Có gì đó bất thường không khi mà phải sau 9 năm nhóm cầu thủ U23 Việt Nam bị xét xử vì dàn xếp tỷ số (trong thời gian thi đấu ở SEA Games 23) mới có một vụ bán độ khác bị khui ra (vụ của nhóm 9 cầu thủ The Vissai Ninh Bình). Trong 9 năm đó, nhiều nghi án đã được đặt ra… rồi rơi vào im lặng. Cùng với đó, việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho cầu thủ chỉ được hô hào, thực hiện chung chung mà thiếu hẳn những biện pháp kiên quyết, chủ động hơn như việc VFF đã phối hợp với cơ quan công an để phá vụ bán độ của nhóm cầu thủ Đồng Nai vừa qua. Từ việc phối hợp này càng chứng tỏ, nếu làm kiên quyết, mạnh tay thì hoàn toàn có thể "bắt tận tay, day tận trán" những cầu thủ có biểu hiện tiêu cực, tha hóa, bất chấp tất cả nhằm vụ lợi bản thân.
Còn với những vụ việc phản ứng trọng tài, tất cả đều có căn nguyên từ chính cầu thủ - HLV cho đến trọng tài. Khi trọng tài không thể hiện được uy, không kiên quyết với các hành vi bạo lực thì dễ khiến trận đấu vượt khỏi tầm kiểm soát. Còn với các HLV khi không còn đủ tỉnh táo thì dễ sa vào tranh cãi, mạt sát trọng tài. Điều này gián tiếp kích động cầu thủ hùa theo thầy để có những hành vi thiếu văn hóa. Màn phản ứng của cầu thủ, HLV An Giang với trọng tài Phùng Đình Dũng vừa qua cũng một phần bắt nguồn từ những nguyên nhân này. Trong một cuộc chơi, điều quan trọng nhất là tôn trọng nhau. Nhưng khi điều này không còn được coi trọng thì sự vô tổ chức trong trận đấu sẽ diễn ra như lẽ thường. Thế nên, cũng đã đến lúc phải có những án phạt mạnh tay để người trong cuộc buộc phải tuân thủ luật chơi.
Trong bối cảnh bóng đá nước nhà "rối như canh hẹ" ấy, việc người hâm mộ không mặn mà với V.League phải chăng cũng là hành động sáng suốt?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.