(HNM) - Vượt tuyến điều trị, dễ dãi trong việc chuyển viện là căn nguyên dẫn đến quá tải bệnh viện.
Điều trị theo danh mục bệnh được phân tuyến
Từ trước tới nay, chuyển viện thường chỉ là chuyển từ tuyến dưới lên tuyến trên. Nhưng tại dự thảo Thông tư Quy định việc chuyển tuyến giữa các cơ sở KCB mà Bộ Y tế đang xây dựng, có thêm hai hình thức chuyển viện được bổ sung là chuyển bệnh nhân từ tuyến trên về tuyến dưới và chuyển giữa các cơ sở y tế có cùng hạng, chuyển từ BV thuộc các tỉnh khác nhau, các khu vực khác nhau. Ông Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, chuyển viện từ tuyến dưới lên tuyến trên được áp dụng với những trường hợp tình trạng bệnh vượt quá khả năng chẩn đoán và điều trị của cơ sở KCB tuyến dưới. Khi người bệnh đã được chẩn đoán xác định, được điều trị qua giai đoạn cấp cứu, tình trạng bệnh thuyên giảm thì cơ sở KCB tuyến trên chuyển người bệnh về tuyến dưới phù hợp. Theo đó, người bệnh chuyển tuyến theo đúng trình tự sẽ được BHYT thanh toán mức tối đa cho từng loại bệnh. Với trường hợp chuyển tuyến từ BV của tỉnh này sang BV của tỉnh khác, phải có sự thống nhất giữa Sở Y tế hai tỉnh đó. Hiện nay, những trường hợp này đang được coi là trái tuyến, Bộ cho rằng, với quy định mới trong dự thảo thì trường hợp trên sẽ là đúng tuyến và người dân sẽ được hưởng quyền lợi từ bảo hiểm y tế.
Điều trị cho bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện Gia Viễn (tỉnh Ninh Bình). Ảnh: TTXVN |
Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều bệnh nhân có nguyện vọng được chuyển viện. Theo ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng ban Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), quỹ BHYT chỉ thanh toán toàn bộ chi phí cho những trường hợp chuyển tuyến giữa các cơ sở KCB cùng tuyến hoặc từ tuyến điều trị trung ương về địa phương. Với những bệnh nhân chuyển tuyến theo nguyện vọng gia đình từ BV huyện lên tỉnh hoặc trung ương chỉ được thanh toán 50% hoặc 30% chi phí, còn lại người bệnh vẫn phải tự chi trả.
Cùng với các quy định về chuyển tuyến, Bộ Y tế cũng đang xây dựng dự thảo về phân tuyến kỹ thuật giữa các tuyến điều trị để hạn chế tình trạng một bệnh mà cả BV huyện, tỉnh và trung ương đều chữa với phác đồ giống nhau nhưng giá mỗi nơi mỗi khác. Hiện, Bộ Y tế đã xây dựng danh mục bệnh theo từng tuyến cụ thể, bệnh nào phải điều trị ở tuyến huyện, bệnh nào được chuyển lên tuyến tỉnh, tuyến trung ương. "Cơ sở KCB phải thực hiện các kỹ thuật theo tuyến chuyên môn kỹ thuật tương ứng. Tuyến trên phải hạn chế việc thực hiện các kỹ thuật mà cơ sở KCB tuyến dưới đã thực hiện được. Chẳng hạn, BV tỉnh Phú Thọ được chuyển giao máy móc và kỹ thuật điều trị ung thư thì BV Bạch Mai (Hà Nội) không được nhận những bệnh nhân ung thư ở Phú Thọ. Trừ trường hợp cấp cứu, đào tạo thực hành hoặc thuộc một phần các quy trình kỹ thuật tuyến trên thì được nhận điều trị" - Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên nhấn mạnh.
Nhắc nhở các BV cần xem lại việc thực hiện phân tuyến này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thẳng thắn: "Nếu BV hạng đặc biệt mà cứ khám, điều trị nội trú bệnh thường thì nên tự xin tụt hạng".
Mất niềm tin vào tuyến dưới
Không chỉ người bệnh mà giới chuyên môn cũng nhìn nhận, hiện còn tình trạng nhiều người bệnh sẵn sàng vượt tuyến để được hưởng chất lượng dịch vụ tốt hơn và bệnh nhân chưa tin tưởng vào chất lượng KCB ở tuyến dưới. Ngoài ra, việc vẫn được bảo hiểm chi trả một phần viện phí đối với bệnh nhân vượt tuyến đã thêm một điều kiện để người bệnh vượt tuyến tìm môi trường KCB tốt hơn. Theo điều tra của Bộ Y tế, có đến 60% bệnh nhân điều trị tuyến trên là không cần thiết, trong khi BV tuyến dưới hoàn toàn có thể điều trị tốt.
Cho rằng vượt tuyến, chuyển tuyến là việc làm bất đắc dĩ của cơ sở y tế cũng như bệnh nhân nghèo, bác sĩ Võ Thị Thanh Sơn - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tân Vinh (huyện Lương Sơn, Hòa Bình) nhận xét, theo phân tuyến kỹ thuật do Bộ quy định, trạm y tế xã phải làm được kỹ thuật siêu âm, đỡ đẻ thường nhưng xã không có máy siêu âm, không có giá đỡ đẻ nên phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Cũng theo bà Sơn, người dân cần siêu âm sản khoa đến trạm y tế xã rất nhiều, xã đã cử một bác sĩ đi học về siêu âm nhưng lại không có máy.
Còn theo bác sĩ Phan Huy Anh Vũ - Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Đồng Nai, nội dung dự thảo thông tư chuyển tuyến nếu thực hiện tốt, người bệnh sẽ có lợi, vì bản thân người bệnh cũng không muốn đi lại vất vả, điều trị tốn kém. Tuy nhiên, điều băn khoăn là, đối với các ca mổ ruột thừa, đẻ thường, tuyến huyện thực hiện dễ dàng nhưng trong 100 ca làm tốt thì cũng khó tránh khỏi có 1-2 ca có tai biến, sơ suất và cơ sở y tế sẽ phải chịu sự trách móc, kiện cáo của gia đình bệnh nhân. Về hình thức chuyển ngược bệnh nhân từ tuyến trên về tuyến dưới, một số bác sĩ cũng cho rằng, cần thận trọng với việc này vì không loại trừ khả năng một ca phẫu thuật tốt nhưng chuyển về tuyến dưới, bệnh nhân bị tai biến nhiễm trùng sau phẫu thuật thì hậu quả BV tuyến trên lại phải gánh chịu.
Siết chặt yêu cầu chuyển tuyến trong khi chất lượng KCB, trình độ đội ngũ, thiết bị ở tuyến cơ sở còn nhiều hạn chế chính là đẩy khó khăn cho người bệnh, nhất là bệnh nhân nghèo không có khả năng chi trả cho các dịch vụ đắt tiền trong trường hợp buộc phải vượt tuyến điều trị. Dù Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên đã trấn an rằng, trong mấy năm gần đây, Nhà nước đã chăm lo đầu tư cho các BV tuyến huyện, tuyến tỉnh nên đến nay trang thiết bị y tế cơ bản tại các BV tuyến huyện đã khá tốt, nhưng chất lượng KCB ở cơ sở y tế tuyến dưới vẫn là nỗi lo thường trực của những người không may bị ốm.
Lập lại trật tự trong ngành y tế để giảm tải BV nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân liệu có song hành?
Để hạn chế việc chuyển tuyến không cần thiết, Luật BHYT (sửa đổi) cũng đề xuất giảm mức cùng chi trả đối với những bệnh nhân vượt tuyến từ 70% (chi phí đối với BV hạng III và chưa xếp hạng), 50% (đối với BV hạng II và 30% (đối với BV hạng I và hạng đặc biệt) xuống còn các mức tương ứng là 60% - 40% và 20%. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.