(HNM) - Kết quả cuộc khảo sát tại các bệnh viện có sử dụng thuốc đông dược mới được Bộ Y tế công bố cho thấy sự thật đáng lo ngại: Thuốc đông dược, vốn được người dân Việt Nam bao đời nay tin tưởng là lành, mát và ít tác dụng phụ, thực tế lại có chất lượng rất đáng ngờ, nhiều loại bị làm giả, bị dùng nhầm hoặc hàm lượng hoạt chất không bảo đảm.
Thuốc làm từ… xi măng, bột sắn
Một văn bản khẩn mới được Vụ Y dược cổ truyền, Bộ Y tế gửi các Sở Y tế, trong đó thông báo kết quả kiểm nghiệm tại các bệnh viện có sử dụng thuốc đông dược cho thấy có một tỷ lệ lớn không đạt tiêu chuẩn chất lượng, sử dụng không đúng, bị nhuộm màu độc hại… Theo đó, bá tử nhân, tế tân, viễn chí, hòe hoa, phòng phong, uy linh tiên, tần giao, kim ngân hoa bị phát hiện có lẫn nhiều tạp chất. Các vị đảng sâm, hoàng cầm, khương hoạt, hà thủ ô đỏ, hoàng bá, đan sâm, ngưu tất, nhục thung dung được sử dụng đúng nhưng hàm lượng hoạt chất thấp. Các vị khác như dây đau xương, ý dĩ, thăng ma, hoàng kỳ, tang ký sinh bị lầm lẫn về loài. Ngoài ra, có những vị như kim ngân hoa, lại không được sử dụng đúng…
Đặc biệt hơn nữa, qua kiểm tra, Vụ Y dược cổ truyền đã phát hiện một số vị thuốc có màu đỏ như hồng hoa, chi tử đã bị nhuộm đỏ bằng chất nhuộm độc hại Rhodamin - có thể gây ung thư cho người sử dụng và đã bị cấm từ lâu. Thậm chí có đến 2-3 vị thuốc đã bị làm giả bằng… xi măng, bột sắn, rất khó phát hiện. "Do bảo quản thuốc cổ truyền khó khăn, nhất là với những vị sau chế biến còn độ ẩm (ví dụ các vị được sao tẩm bằng mật ong), nên có hiện tượng mốc hỏng. Các vị thuốc có hàm lượng hoạt chất không đạt thì phải sử dụng với số lượng gấp 2-3 thông thường mới đảm bảo tác dụng điều trị. Riêng 4 vị hồng hoa, bạch linh, thỏ ty tử, hoài sơn có tỷ lệ sản phẩm không đạt hàm lượng, bị nhuộm màu ở mức cao, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện chỉ được sử dụng nếu kết quả kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn chất lượng quy định tại Dược điển Việt Nam IV" - một lãnh đạo Vụ Y dược cổ truyền cho hay.
Lo ngại chất lượng đông dược
Tình trạng đông dược kém chất lượng không phải là chuyện mới. Trước đây, Thanh tra Bộ Y tế đã từng tiến hành một đợt kiểm tra chất lượng đông dược khá quy mô, lấy mẫu đông dược trước và sau khi nhập khẩu vào Việt Nam để kiểm nghiệm. Kết quả cho thấy nhiều loại dược liệu quý như nhân sâm, linh chi… đã bị tách chiết 100% hoạt chất trước khi vào nước ta, dược liệu thực chất chỉ còn là rác, giá bán tại gốc chỉ là 2.500 đồng/củ nhân sâm. Sau khi nhập khẩu, tới tay các cơ sở làm dịch vụ trung chuyển, việc sơ chế, thái, sao tẩm dược liệu được tiến hành rất thô sơ, không hề theo quy trình kỹ thuật mà chủ yếu làm theo… kinh nghiệm.
Thuốc đông dược "phập phù" về chất lượng đã đành, việc sử dụng chúng cũng có nhiều điều để nói. Người Việt từ lâu đã có ý tin vào thuốc đông y, cho là lành tính, không có tác dụng phụ nên thường chọn sử dụng loại thuốc này. Điều đáng nói là cách sử dụng khá tùy tiện, dẫn đến hệ quả là có rất nhiều ca tai biến xảy ra liên quan đến thuốc đông y, gần nhất là hàng trăm trường hợp trẻ em ở Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam… bị nhiễm độc do dùng thuốc cam để trị đủ các chứng bệnh, từ tưa lưỡi, đau bụng, tiêu chảy đến biếng ăn… mà không hề biết trong nguyên liệu làm thuốc cam có hàm lượng chì rất cao. Điều nguy hiểm là hàm lượng chì trong máu của phần lớn trẻ bị nhiễm độc có liên quan đến thuốc cam đều ở mức rất cao, thời gian điều trị kéo dài và khả năng để lại di chứng liên quan đến sự phát triển trí tuệ và chỉ số IQ của trẻ là rất lớn.
Trước tình trạng thuốc đông dược bị làm giả, chất lượng kém, bị nhuộm màu hoặc trộn chất độc, bị nhiễm kim loại nặng hoặc bị tách chiết gần hết hoạt chất trước khi nhập khẩu vào Việt Nam xuất hiện liên tục và kéo dài, Bộ Y tế đã có văn bản giao Vụ Y dược cổ truyền chủ trì xây dựng thông tư hướng dẫn sử dụng an toàn, hiệu quả thuốc đông dược trong các cơ sở khám bệnh, giao cho Thanh tra Bộ Y tế và Cục Quản lý dược lập kế hoạch kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất về chất lượng đầu vào của đông dược. Theo ông Phạm Vũ Khánh, Vụ trưởng Vụ Y dược cổ truyền, do một phần thị trường thuốc đông dược và nguyên liệu được mua từ người dân thu hái và sơ chế không có hóa đơn đầu vào, nên việc chi trả bảo hiểm y tế cho thuốc đông dược đang gặp khó khăn. Ông Phạm Vũ Khánh cho biết, sắp tới Vụ Y dược cổ truyền sẽ đề nghị Bộ Y tế tổ chức một hội thảo chuyên đề về thuốc đông dược, tiến tới quản lý chặt hơn nữa sản phẩm này nhằm bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.