Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thuộc diện giám sát đặc biệt

Hương Ly| 02/06/2012 07:56

(HNM) - Tính đến tháng 9-2011, dư nợ vay ngân hàng của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước (DNNN) là 415.347 tỷ đồng. Mặc dù được hưởng nhiều ưu đãi về vốn, tài sản, song tình trạng sử dụng vốn nhà nước kém hiệu quả...


Theo Bộ Tài chính, mức lỗ bình quân của DNNN cao gấp 12 lần so với các DN ngoài nhà nước. Tại dự thảo đề án "Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước" do Bộ Tài chính vừa hoàn thiện, những DNNN làm ăn thua lỗ hai năm liên tục sẽ được đưa vào diện phải giám sát tài chính đặc biệt.


Các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ hai năm liên tục sẽ chịu sự giám sát đặc biệt về tài chính.Ảnh: Khánh Nguyên

"Ngập" trong nợ ngân hàng

Làm ăn thua lỗ kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối tài chính là thực trạng của không ít DNNN. Tại dự thảo đề án "Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước" vừa hoàn thiện, Bộ Tài chính đã nêu nhiều số liệu đáng lưu tâm. Tính đến tháng 9-2011, dư nợ vay ngân hàng của các DNNN đã lên tới 415.347 tỷ đồng, chiếm 16,9% tổng dư nợ tín dụng. 12 tập đoàn kinh tế nhà nước có dư nợ lên tới 218.738 tỷ đồng, chiếm 8,76% tổng dư nợ toàn ngành ngân hàng và chiếm 52,66% dư nợ cho vay DNNN. Trong đó, dẫn đầu là Tập đoàn Dầu khí (PVN) với 72.300 tỷ đồng; Tập đoàn Điện lực (EVN) đứng thứ hai với 62.800 tỷ đồng; thứ ba là Tập đoàn Công nghiệp than và khoáng sản (TKV) với 20.500 tỷ đồng; tiếp đó là Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin) với 19.600 tỷ đồng... 30/85 DNNN có tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao hơn 3 lần, đặc biệt có 7 đơn vị có tỷ lệ này trên 10 lần, gồm các tổng công ty: Xây dựng Công nghiệp, Xây dựng công trình giao thông 1, Xây dựng công trình giao thông 5, Xây dựng công trình giao thông 8, Xăng dầu Quân đội, Thành An, Phát triển đường cao tốc.

Không chỉ vay nợ ngân hàng với số lượng lớn, một số tập đoàn còn thua lỗ rất lớn. Cụ thể, EVN năm 2010 lỗ 12.313 tỷ đồng, lũy kế hợp nhất năm 2010 là 24.262 tỷ đồng. Vinashin năm 2009 lỗ 5.000 tỷ đồng (theo kết luận của Thanh tra Chính phủ). Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam năm 2009 lỗ 1.026 tỷ đồng (theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước)... Tổng số lỗ lũy kế của các tập đoàn, tổng công ty tính đến ngày 31-12-2011 là 26.110 tỷ đồng. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, nhiều DNNN chưa bảo đảm các yêu cầu về an toàn tài chính, đang tiềm tàng nhiều nguy cơ rủi ro và đổ vỡ khi hoạt động kinh doanh không hiệu quả. Mức lỗ bình quân của một DNNN cao gấp 12 lần so với DN ngoài nhà nước.

Cần minh bạch tài chính

Để giám sát việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy định rõ việc này, như Quyết định 224 năm 2006 về quy chế giám sát tài chính với DNNN; Quyết định 169 năm 2007 về quy chế giám sát với DNNN làm ăn thua lỗ, hoạt động không hiệu quả… Song, sau một thời gian thực hiện, những quy chế này đã bộc lộ nhiều bất cập. Với mục tiêu tiếp tục đổi mới quản lý tài chính tại DNNN và DNNN góp vốn, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính xây dựng quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, quy chế mới quy định hai nội dung: Giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động của DN. Đối tượng giám sát gồm cả hai loại: DN do Nhà nước làm chủ sở hữu, giữ cổ phần chi phối và DN có vốn Nhà nước đầu tư. Quy chế không chỉ xem xét, phân hạng DN theo các tiêu chí mà sẽ đánh giá thực trạng DN và phân tích rủi ro tài chính. Thông qua việc giám sát tài chính tại DNNN, cơ quan giám sát sẽ đưa ra cảnh báo từ các cơ quan quản lý nhà nước, các biện pháp từ chủ sở hữu và giải pháp của DN để ngăn ngừa rủi ro. Quy chế mới cũng quy định cả chế tài khen thưởng, xử phạt với DN và đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước trong trường hợp thực hiện tốt hoặc không đầy đủ các trách nhiệm theo quy định. Các hình thức kỷ luật được thiết kế theo quy định trong Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức với mức độ từ khiển trách, cảnh cáo, đến miễn nhiệm, cách chức. Những lĩnh vực tới đây sẽ được tập trung giám sát tại các DNNN, gồm tình hình đầu tư tài sản tại DN; tình hình huy động và sử dụng vốn; tình hình phát hành cổ phiếu, trái phiếu và đầu tư vốn ra ngoài ngành…

Một số DNNN sẽ được đưa vào diện giám sát đặc biệt nếu có nguy cơ làm mất vốn nhà nước. Cụ thể, DN kinh doanh thua lỗ, có hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu vượt mức an toàn theo quy định; DN có lỗ phát sinh từ 30% vốn chủ sở hữu trở lên hoặc tổng lỗ lũy kế lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu; DN có hệ số khả năng thanh toán nợ quá hạn thấp hơn 0,5. Ngoài ra, DN báo cáo không đúng sự thật tình hình tài chính, làm sai lệch kết quả báo cáo... sẽ thuộc diện phải giám sát đặt biệt. Riêng những DN hoạt động trong lĩnh vực: ngân hàng, tài chính, chứng khoán sẽ được giám sát theo luật chuyên ngành. Trường hợp DN thua lỗ hai năm liền, sẽ có giải pháp đặc biệt như cơ cấu lại, chuyển đổi sở hữu hoặc xem xét hình thức phá sản. Sau hai năm liên tục (kể từ khi có quyết định giám sát đặc biệt), nếu DN thoát khỏi nợ, thực hiện báo cáo tài chính đầy đủ thì được đưa ra khỏi danh sách này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thuộc diện giám sát đặc biệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.