(HNM) - Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan hữu trách, chính quyền địa phương sớm có phương thuốc
Xây dựng cầu vượt: Phải tính kỹ
Xây dựng cầu vượt lắp ghép tại các nút giao thông có mật độ phương tiện lớn được xem là một giải pháp tình thế hiệu quả tháo gỡ ùn tắc. Dù không có nhiều thời gian chuẩn bị, nhưng ngày 20-10, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học GTVT đã đưa ra hai phương án kỹ thuật với những ưu, nhược điểm cụ thể trong xây dựng cầu vượt lắp ghép kết cấu thép và lắng nghe đóng góp của các nhà quản lý, chuyên gia trong ngành. Nút giao Thái Hà - Chùa Bộc - Tây Sơn và Huỳnh Thúc Kháng - Thái Hà - Láng được ưu tiên nghiên cứu thực hiện trước. Hai phương án kỹ thuật nhóm đề xuất là dầm thép liên hợp bản bê tông cốt thép đặt trên trụ thép, móng cọc bê tông cốt thép và dầm thép liên hợp bản trực hướng đặt trên trụ thép ống, móng cọc vít. Dù phương án nào, cầu cũng rộng 12m, dài khoảng 250m và chi phí ước tính từ 150 tỷ đồng đến 189 tỷ đồng/cầu. Đây là khoản kinh phí không nhỏ, đặc biệt trong giai đoạn cả nước đang thực hiện cắt giảm đầu tư công. Nhiều ý kiến cho rằng, chỉ là cầu tạm nên không cần thiết phải làm quá rộng, thay vào đó chỉ khoảng 9m, đủ dành cho xe con, xe có tải trọng dưới 3 tấn, xe máy lưu hành theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng. Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) Phạm Hữu Sơn cho rằng, chỉ cần rộng 7,5m là đủ đáp ứng yêu cầu đặt ra. Theo tính toán, thiết kế của TEDI, mỗi cây cầu sẽ chỉ tiêu tốn khoảng 50 tỷ đồng vẫn bảo đảm chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật. Các ý kiến đều thống nhất, dù phương án nào, cũng phải tính kỹ tới mỹ quan đô thị, độ dốc hợp lý để bảo đảm an toàn. Ngoài ra, thời gian thi công cũng phải rút ngắn tối đa, đồng thời hạn chế ảnh hưởng tới giao thông khu vực.
Cần có những biện pháp cấp bách để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông. Ảnh: TRUNG KIÊN
Tổ chức giao thông: Đủ tầm bao quát
Tổ chức, điều hành giao thông là công việc phức tạp, đòi hỏi có tầm nhìn bao quát. Dòng phương tiện cũng như dòng nước, nếu không có phương án tổng thể sẽ dẫn đến tình trạng thông chỗ nọ, tắc chỗ kia, thậm chí ùn tắc nghiêm trọng hơn. Tại cuộc họp ngày 20-10, phần lớn ý kiến tập trung vào vấn đề chính là phương án kỹ thuật. Tuy nhiên, trước khi đưa ra quan điểm về kỹ thuật, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Mạnh Hùng lại bày tỏ sự lo ngại nếu không có phương án tổ chức giao thông đủ tầm, bao quát có thể thông nút này, nhưng lại tắc ở nút khác. Thứ trưởng Lê Mạnh Hùng đặc biệt lo ngại khi có cầu vượt tại ngã tư Huỳnh Thúc Kháng - Láng Hạ - Thái Hà, khả năng lưu thoát ở hướng Láng Hạ tăng lên sẽ gây áp lực lớn, có thể dẫn tới ùn tắc tại nút Giảng Võ - La Thành. Đó là lý do vị thứ trưởng đề xuất nghiên cứu phương án xây dựng thêm một cầu lắp ghép tại nút Giảng Võ - La Thành. Tất nhiên, để đánh giá việc cần hay không thêm cầu, phân luồng, điều tiết giao thông ra sao sẽ phải dựa trên những thông số cụ thể về lưu lượng, dự báo phát triển. Đáng tiếc là những thông số đó chưa được nhóm nghiên cứu công bố tại buổi họp và xem như một cơ sở quan trọng để xây dựng dự án. Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) Trần Ngọc Thành lại cho rằng, khi xây dựng cầu lắp ghép, phải hạn chế tối đa việc thu nhỏ vỉa hè phục vụ dự án. Đây cũng là ý kiến rất đáng chú ý, bởi lẽ lâu nay, người đi bộ đang bị đẩy xuống đường. Chủ trương hạn chế phương tiện cá nhân, khuyến khích sử dụng phương tiện vận tải công cộng đương nhiên sẽ tăng lượng người đi bộ. Rõ ràng, nếu cứ quá ưu ái dành đường cho phương tiện mà bỏ quên người đi bộ thì sẽ là "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược".
Trên cơ sở góp ý của các chuyên gia, nhà quản lý, Sở GTVT đề nghị nhóm nghiên cứu khẩn trương hoàn thành dự án để Sở báo cáo UBND TP Hà Nội. Đẩy nhanh tiến độ thực sự cần thiết, nhưng không thể vội vã khi chưa có nghiên cứu cụ thể, kỹ lưỡng tại khu vực. Bởi sự nóng vội, chủ quan có thể dẫn tới tình trạng ùn tắc "di căn" từ nơi này sang nơi khác, hoặc những hệ lụy không đáng có khác, như lãng phí, làm mất mỹ quan đô thị…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.