(HNM) - Sau một thời gian dài chuẩn bị, đến nay Bảo hiểm xã hội (BHXH) Hà Nội đã chính thức khởi kiện hai doanh nghiệp chây ỳ, nợ đọng số tiền BHXH trên 1 tỷ đồng. Đây chỉ là hai trong nhiều doanh nghiệp bị cơ quan BHXH khởi kiện ra tòa dân sự thời gian tới nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động và bảo đảm nguồn thu cho cơ quan BHXH... Vì đâu nên nỗi?
Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về tình trạng nợ đọng BHXH. Tính đến cuối tháng 11-2009, trong số 22.000 đơn vị tham gia BHXH, có tới hơn 1.000 đơn vị nợ tiền BHXH từ 6 tháng trở lên với số tiền nợ đọng lên tới hàng trăm tỷ đồng. Đặc biệt, đơn vị nợ nhiều nhất lên tới 9 tỷ đồng, có đơn vị nợ tiền BHXH ròng rã suốt 51 tháng. Sau một tháng thực hiện nhiều biện pháp nhằm truy thu nợ đọng BHXH kéo dài, trong số 79 đơn vị có số nợ trên 1 tỷ đồng, mới có 3 đơn vị trả hết nợ cũ, 2 đơn vị trả được 2/3 số nợ và 3 đơn vị trả được 1/2 số nợ cũ. Theo bà Nguyễn Thị Phương Mai, Giám đốc BHXH Hà Nội, có nhiều nguyên nhân khiến việc xử lý các doanh nghiệp nợ đọng tiền BHXH gặp khó khăn.
Hiện BHXH Hà Nội chỉ có 20 cán bộ trực tiếp làm công tác kiểm tra, trong khi số doanh nghiệp tham gia đóng BHXH trên địa bàn quá nhiều. Theo quy định, cán bộ kiểm tra của BHXH chỉ có chức năng kiểm tra tình hình trích nộp BHXH, BHYT, chi các chế độ BHXH ngắn hạn... tại các đơn vị sử dụng lao động (LĐ) có tham gia BHXH mà không có chức năng xử lý các sai phạm, do đó rất "bị động" trong khâu phát hiện và xử lý việc nợ đọng BHXH. Mặt khác, theo Nghị định 135/2007/NĐ-CP ban hành ngày 16-8-2007, mức phạt cao nhất đối với hành vi không đóng BHXH cho toàn bộ số người LĐ thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc của chủ sử dụng LĐ chỉ ở mức 15 đến 20 triệu đồng, một số tiền quá nhỏ so với số tiền nợ đọng BHXH.
Do đó, nhiều đơn vị sẵn sàng nộp phạt hoặc chịu tính trả lãi để chiếm dụng tiền tham gia BHXH của người LĐ. Bên cạnh đó, các đơn vị nợ đọng, chây ỳ, trốn đóng BHXH cũng có rất nhiều "chiêu thức" để trốn tránh lực lượng kiểm tra. Để tạo điều kiện cho người LĐ tham gia BHXH, BHYT, theo quy định, ngay từ đầu năm người LĐ được cấp thẻ BHYT có giá trị đến hết năm hiện hành. Lợi dụng điều đó, nhiều doanh nghiệp đã chọn cách nộp tiền "nhỏ giọt" vào đầu năm để phát hành thẻ BHYT cho người LĐ, số tiền còn lại tiếp tục nợ đọng, chây ỳ…
Tình trạng dây dưa, nợ đọng BHXH được các đơn vị giải thích bằng nhiều lý do, song trước thực tế quyền lợi chính đáng của người LĐ bị xâm phạm, BHXH Việt Nam đã chính thức yêu cầu BHXH Hà Nội thực hiện thí điểm việc khởi kiện một số đơn vị nợ đọng BHXH ra tòa án dân sự.
Liệu có khả thi?
Ngày 30-11-2009, BHXH thành phố đã có Công văn số 1411/BC - BHXH, báo cáo việc hoàn thiện thủ tục khởi kiện 9 đơn vị chây ỳ, nợ đọng BHXH ra tòa án, gồm: Công ty TNHH May mặc XK Vit Garment, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng công trình 128 (Cienco 1), Công ty CP Cơ khí và Xây lắp số 7; Công ty Xây dựng số 8 Thăng Long; Công ty Tư vấn xây dựng giao thông 8; Công ty CP Sản xuất vật liệu và Xây dựng công trình 115; Công ty CP Xây dựng công trình 1; Công ty CP Xây dựng công trình giao thông 246 và Công ty Đường 126. Tuy nhiên, sau khi đăng tải danh sách này trên một số cơ quan thông tin đại chúng, đến nay Công ty Tư vấn xây dựng giao thông 8 đã nộp toàn bộ số tiền nợ đọng BHXH gần 2 tỷ đồng, Công ty Xây dựng số 8 Thăng Long nộp 1/4 số tiền nợ đọng BHXH cũ. Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Hoan, Giám đốc BHXH huyện Từ Liêm, bên cạnh những đơn vị tỏ ra e ngại vẫn có đơn vị tỏ rõ sự ngoan cố khi cho biết "sẵn sàng cử đại diện cắp tráp hầu tòa nhưng không có tiền trả nợ BHXH"! Đến ngày 30-12-2009, BHXH thành phố đã hướng dẫn BHXH các quận, huyện chính thức hoàn tất thủ tục khởi kiện hai đơn vị là Công ty TNHH May mặc XK Vit Garment tại TAND huyện Mê Linh và Công ty Đường 126 tại TAND quận Hà Đông.
Theo một cán bộ BHXH thành phố, khó khăn lớn nhất khi khởi kiện các đơn vị nợ đọng BHXH là hầu hết số này đều là DNNN, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng. Công nhân đông, tốc độ quay vòng vốn chậm, chiếm dụng vốn lẫn nhau... là những lý do khiến các đơn vị này nợ đọng BHXH kéo dài, trong đó không ít đơn vị không có khả năng thanh toán. Mặc dù vậy, cho đến nay, việc khởi kiện các đơn vị nợ đọng BHXH bước đầu nhận được sự ủng hộ từ nhiều cơ quan, ban, ngành chức năng. TAND thành phố và TAND các quận, huyện đều rất nhiệt tình trong việc thụ lý hồ sơ vụ kiện do phía cơ quan BHXH chuyển đến...
Tăng cường các biện pháp xử lý nợ đọng BHXH là cơ sở để thu hồi nợ, giảm tình trạng chiếm dụng quỹ BHXH, BHYT, giải quyết kịp thời chế độ hưu trí, tử tuất, ốm đau, thai sản, khám, chữa bệnh bằng BHYT... bảo đảm quyền lợi cho người LĐ và an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô. Hy vọng việc khởi kiện ra tòa là "liều thuốc đặc trị" giải quyết dứt điểm căn bệnh nợ đọng BHXH kéo dài của các đơn vị sử dụng LĐ trên địa bàn Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.