Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thuốc chữa "bệnh" nhờn luật

Ban Bạn Đọc| 13/04/2010 06:54

(HNM) - Ngày 2-4-2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 34/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trong đó có việc, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thí điểm áp dụng mức phạt cao hơn từ 40% đến 200% so với mức phạt chung, đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Báo Hànộimới xin trích đăng ý kiến của một số bạn đọc.

Luật sư Đào Ngọc Chuyền - Trưởng VPLS Đào và Đồng nghiệp (45/90 đường Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội): Phạt nặng để nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông
Nhằm giảm thiểu tai nạn và tình trạng ùn tắc giao thông cần phải thực hiện nhiều giải pháp, trong khi chưa đủ điều kiện nâng cao hệ thống cơ sở hạ tầng, giải pháp tốt nhất là giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Tăng mức phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ cũng là cách để người dân tự nâng cao ý thức, kiến thức về luật giao thông. Để những quy định mới đi vào cuộc sống, cơ quan chức năng cần tuyên truyền sâu rộng, từ các trường hợp vi phạm cụ thể đến mức phạt để người dân nắm rõ. Tại các giao lộ, các chốt giao thông, những điểm vui chơi công cộng... nên có bảng niêm yết mức phạt đối với một số hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, cần giáo dục ý thức pháp luật về giao thông trong các nhà trường, bởi học sinh, sinh viên chiếm số lượng lớn trong tham gia giao thông. Khi kiến thức pháp luật được nâng lên, người dân không chỉ tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Giao thông đường bộ mà họ còn tham gia giám sát, phát hiện các hành vi vi phạm, kể cả thái độ tiêu cực của lực lượng có trách nhiệm duy trì TTATGT như CSGT, TTGT...

Ông Nguyễn Đình Long (Ngọc Thụy, Long Biên): Thực hiện đồng thời nhiều giải pháp...
Mức phạt tăng cao, buộc người tham gia giao thông phải cẩn trọng hơn khi ra đường, thậm chí sẽ phải tự tìm hiểu luật giao thông, về mức xử phạt cụ thể để tránh vi phạm. Xét về góc độ nhất định, tăng mức phạt đồng nghĩa với việc tăng "sức nặng" cho Luật Giao thông đường bộ, giảm hành vi vi phạm, giảm tai nạn giao thông. Tuy nhiên, tăng mức phạt chỉ là một trong số hàng loạt giải pháp nhằm giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Theo tôi, đẩy mạnh việc xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông (hiện đã quá lạc hậu, không tương ứng với sự phát triển của kinh tế - xã hội) sao cho đồng bộ và khoa học cũng là một giải pháp không kém phần quan trọng. Khi hệ thống giao thông được mở rộng, đường phố thông thoáng, các làn xe được quy định rõ ràng... sẽ giảm thiểu tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông.

Chị Hoàng Minh Khánh (Khu đô thị Mỹ Đình II): Người có trách nhiệm duy trì TTATGT cũng phải chấp hành nghiêm quy định...

Tăng mức phạt với hành vi vi phạm TTATGT là quyết định đúng, được đông đảo người dân đồng tình, nhưng cái gì cũng có tính hai mặt. Nếu lực lượng chức năng thực hiện nghiêm túc, việc tăng mức phạt sẽ phát huy tác dụng, còn nương nhẹ hay để tiêu cực phát sinh sẽ phản tác dụng. Vì vậy, đòi hỏi lực lượng CSGT, Thanh tra Giao thông, công an xã, huyện... cần nêu cao trách nhiệm trong thực thi công vụ. Tôi hoàn toàn ủng hộ nâng mức phạt, thậm chí sau thí điểm có thể tăng mức phạt cao hơn nữa đối với một số hành vi vi phạm. Song bên cạnh việc nâng mức phạt đối với người tham gia giao thông có những hành vi vi phạm, Nhà nước cần ban hành chế tài cụ thể để xử lý vi phạm, tiêu cực của người và cơ quan liên quan như công an, Thanh tra Giao thông, chính quyền phường, xã... nơi xảy ra nhiều vi phạm và tiêu cực.

Bà Nguyễn Song Thao (Phường Thanh Lương): Mức phạt không để gây khó dễ
Tôi nghe nhiều ý kiến cho rằng, mức phạt theo Nghị định 34 là cao, là gây khó khăn cho người nghèo, người có thu nhập thấp, riêng tôi không đồng tình với quan điểm này. Bởi lẽ, người nghèo hay giàu thì quyền và nghĩa vụ khi tham gia giao thông đều ngang nhau. Phạt nặng là để răn đe, để người dân không vi phạm chứ không phải để "gây khó dễ" hay nhắm vào người nghèo. Vì vậy, cách tốt nhất để người nghèo, người có thu nhập thấp không bị ảnh hưởng, đó là hãy nghiêm túc chấp hành Luật Giao thông đường bộ...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thuốc chữa "bệnh" nhờn luật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.