Tình hình động đất tại thủy điện Sông Tranh 2 đang được hai đơn vị tư vấn của Việt Nam và Nhật Bản khảo sát. Sau khi có kết quả, Chính phủ sẽ quyết định công trình thủy điện này được tích nước trở lại không.
Trao đổi với báo chí chiều 19/3, ông Lê Quang Hùng, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, theo chỉ đạo của Chính phủ, thủy điện Sông Tranh 2 vẫn giữ mực nước 140 m. Các cơ quan chức năng sẽ thuê tư vấn đánh giá, thẩm định giá trị động đất cực đại, tiềm năng động đất kích thích, nếu tích nước thêm 30 mét thì động đất kích thích còn trở lại hay không.
Theo ông Hùng, hiện có 2 đơn vị tư vấn đánh giá động đất tại thủy điện Sông Tranh 2 là Viện Vật lý Địa cầu đang thực hiện đề án đánh giá động đất với ngân sách hơn 10 tỷ đồng; và Tổ chức tư vấn OYO (Nhật Bản) sẽ đánh giá tình hình địa chất và hoạt động động đất tại khu vực thủy điện, dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 8. Sau khi có kết luận của hai tổ chức này, cơ quan có thẩm quyền sẽ kết luận thủy điện đủ cơ sở để cho tích nước trở lại hay không.
Thủy điện Sông Tranh đã được xử lý các vết thấm song chưa được tích nước trở lại. Ảnh: Trí Tín. |
"Rất may thời gian qua không có động đất kích thích lớn, chỉ có trận động đất hơn 3 độ richter ở hạ lưu, cách đập hơn 10 km nên không ảnh hưởng tới đập. Sau khi có kết quả đánh giá động đất mới mới có thể kết luận được tích nước không. Mùa lũ ở Quảng Nam vào tháng 9 nên đánh giá phải xong trước khi lũ về", ông Hùng nói.
Về chất lượng, kết cấu đập thủy điện, lãnh đạo Cục quản lý chất lượng công trình xây dựng cho biết, trước đây, đơn vị tư vấn Colenco của Thụy Sỹ đã đánh giá đập đảm bảo an toàn.
Đầu tháng 1, Chính phủ đã chỉ đạo các giải pháp đảm bảo an toàn cho công trình và người dân khu vực thủy điện Sông Tranh 2. Dù các chuyên gia trong và ngoài nước báo cáo đập thủy điện Sông Tranh 2 đảm bảo an toàn nhưng Thủ tướng vẫn yêu cầu chưa được tích nước phát điện đập thủy điện này để tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ thêm về động đất.
Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan lập tổ công tác thường xuyên túc trực tại thủy điện này để theo dõi tất cả các diễn biến của động đất để kịp thời tính toán phương án ứng phó với mục tiêu an toàn là cao nhất. Bộ Công Thương chỉ đạo EVN và các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng phương án ứng phó trong các trường hợp sự cố đập thủy điện với các kịch bản khác nhau.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.