(HNM) - Từ ngày 1-7, Luật Thuế thu nhập cá nhân chính thức có hiệu lực, trong đó sẽ áp dụng mã số thuế cá nhân cho người phụ thuộc được đại diện Vụ Quản lý thuế thu nhập cá nhân cho biết ngày 16-5.
Như vậy có thể hiểu, với những đứa trẻ mới sinh ra, khi bố hoặc mẹ kê khai để giảm trừ gia cảnh sẽ được cấp mã số thuế cá nhân. Mục đích của việc này là để ngăn chặn một người con được cả bố lẫn mẹ đăng ký giảm trừ gia cảnh để "ăn gian" thuế.
Đó là một quy định nên làm. Cũng như mã số cá nhân, mã số thuế cho mỗi công dân là điều không cần bàn cãi (nếu có thể dùng chung một mã số thì càng tốt). Song việc này đang xới chuyện thuế thu nhập cá nhân, sau nhiều năm các nhà quản lý vẫn tỏ ra rất lúng túng. Đôi lúc có cảm giác cách thức triển khai của ngành thuế giống như "được chăng hay chớ" vậy. Đến thời điểm này, vẫn không quá khó để nhận thấy các chiêu lách thuế của một số đối tượng, đặc biệt là nhóm có thu nhập cao thật sự. Dư luận đã biết và cũng tốn không ít giấy mực liên quan đến việc trốn thuế của giới ca sỹ, ngôi sao. Nếu nói là các ca sỹ nổi tiếng thu nhập thấp nên đóng thuế ít thì chắc chắn chẳng ai tin, bởi sự thật nó sờ sờ ra đó. Người thu nhập thấp thì không thể có siêu xe, biệt thự, trang trại… Mà một khi tiền để mua những thứ ấy là thu nhập chính đáng thì ắt họ phải đóng thuế.
Nhưng, hầu hết những người này luôn sẵn trong đầu tâm lý trốn thuế. Một báo cáo mới nhất tại TP Hồ Chí Minh hồi tháng 4 vừa qua cho thấy, nhiều "sao" ca nhạc dù nhận cát xê mỗi sô diễn lên đến vài chục triệu đồng nhưng nộp thuế còn thua người làm công ăn lương. Thậm chí, khi cơ quan thuế mời 210 nghệ sỹ đến kê khai thuế thì cũng chỉ có 44 người có mặt. Ý thức của người đóng thuế kém chỉ là một mặt của vấn đề.
Việc trốn đóng thuế thu nhập cá nhân xuất phát từ những kẽ hở trong công tác kế toán đến các chính sách quản lý tiền tệ… Và người trốn thuế cũng không chỉ có giới nghệ sỹ mà còn cả ở các lĩnh vực khác như bất động sản, bán hàng, môi giới… Nhưng nếu cơ quan quản lý chặt chẽ hẳn sẽ bớt thất thu. Đơn cử như trường hợp của một nữ ca sỹ nọ năm 2009 khai thuế chỉ có 13,3 triệu đồng, nhưng khi cơ quan thuế buộc phải kê khai lại mới lộ ra số thuế phải nộp thêm lên đến 400 triệu đồng. Hay như lĩnh vực bất động sản, phổ biến hiện nay là việc người dân mua bán chỉ qua "hợp đồng ủy quyền công chứng" với mức phí công chứng vài trăm nghìn đồng cho căn nhà bạc tỷ, mọi khoản thuế khác đều nằm ngoài tầm kiểm soát của Nhà nước. Thất thu mười mươi biết rõ ấy sao không được điều chỉnh?
Chính vì thế, nên chăng thay vì dàn trải với nhiều việc đối tượng, ngành thuế hãy tập trung làm dứt điểm từng việc cho tốt. Trước khi tìm cách "chống trẻ sơ sinh trốn thuế" hãy chống triệt để việc những người thu nhập cao trốn thuế. Cần tích cực tổ chức việc phối hợp với các ngành chức năng như VH-TT&DL, công thương, công an… thu thập thông tin về thu nhập của giới nghệ sỹ, kiểm soát nguồn thu của các đối tượng này. Với các lĩnh vực khác như bất động sản, rà soát ngay các lỗ hổng để điều chỉnh chính sách cho phù hợp. Tăng cường hạch toán sổ sách kế toán, tăng cường thanh toán qua ngân hàng với các giao dịch của giới nghệ sỹ, bất động sản, môi giới… Như vậy vừa chống thất thu, vừa tạo sự công bằng với những người thu nhập không cao nhưng vẫn hằng tháng đều đặn nộp thuế vì tiền lương của họ được chi trả qua ngân hàng.
Thay đổi phương thức, quản lý sớm đối tượng nộp thuế là cần thiết. Nhưng trước khi "quản" trẻ sơ sinh, hãy "quản" cho được những người thu nhập cao đang trốn thuế. Như vậy mới là công bằng và đúng với ý nghĩa của việc nộp thuế thu nhập cá nhân!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.