Có về dự lễ khai ấn đền Trần, Nam Định đêm 14 rạng ngày 15 âm lịch tháng Giêng, mới thấy hết nỗi gian nan của những người muốn cầu may cho cả một năm dài.
Hòa mình vào dòng người nô nức hướng về phía đền chính, chúng tôi cũng đã có một đêm căng mình, toát mồ hôi để có thể cầm trên tay chiếc ấn vẫn được người dân coi như “báu vật.”
Xí chỗ để giành… ấn
Đúng 18 giờ chiều, gã bạn người địa phương í ới giục chúng tôi lên đường, gã bảo, nếu không đến sớm, có chen tới sáng cũng không chắc vào được và tới cổng đền. Theo kinh nghiệm, nếu muốn có ấn thì trước tiên phải biết giành "chỗ đẹp."
Cách mấy giờ đồng hồ trước lễ khai ấn, các con đường dẫn vào lễ hội đền Trần đã chật kín người qua lại. Hàng quán mọc san sát hai bên đường. Nhiều bãi gửi xe của đã kín chỗ, quyết định đóng cửa, không nhận thêm xe nữa.
Đến 19 giờ, rất nhiều người đã ngồi chật khu vực chắn barie và được lực lượng an ninh bảo vệ nghiêm ngặt trước sân đền.
“Tôi phải ngồi đây canh chỗ, kẻo khi mở cửa, chúng tôi già yếu sẽ không chạy nhanh được vào đền, kịp lấy ấn,” bà Nguyễn Thị Hà ở tỉnh Thanh Hóa nói.
Thậm chí, những người ngoại tỉnh ở xa còn mang cả chăn chiếu để có thể ngả lưng ngay sát rào chắn của lực lượng chức năng để chờ thời khắc mở rào nhanh chân xin ấn.
Trùm chiếc chăn bông kín mặt, dưới cơn mưa ngày một nặng hạt, gió bấc se lạnh, bác Phạm Văn Giang, Hưng Yên đã có mặt tại đền Trần từ 18 giờ tối để tranh chỗ đẹp.
“Khi xe dừng tại bãi, những người trong đoàn đi xin ấn, không ai bảo ai, mọi người đều rảo bước để tới đầu đường rẽ vào cổng đền để…xí chỗ,” bác Giang chia sẻ.
Vừa nói xong, bác vội trải tạm chiếc chiếu mang sẵn ở nhà đi, tranh thủ chợp mắt nhằm giữ sức khỏe để có sức chen giữa dòng người xin ấn.
“Chúng tôi phải nghỉ ngơi để lấy lại sức sau chuyến hành trình dài. Tất cả không ngủ hết mà phải cắt cử một người thức để đợi chờ thời khắc khai ấn đánh thức mọi người,” bác Giang tâm sự.
Anh Nguyễn Minh Đức là người trẻ tuổi nhất trong tốp đi đền Trần lĩnh ấn của nhóm phải túc trực, vừa để trông đồ lễ, vừa phải căn chính xác đúng giờ khai ấn.
Anh Đức tâm sự: “Năm ngoái, mọi người đều cố thức nên đến lúc khai ấn thì không còn sức mà chen vì đã quá mệt. Rút kinh nghiệm, năm nay chúng tôi luân phiên nhau thức, chỉ đợi chuông rung lên là chen vào đền.”
Càng sát đến giờ, tất cả vỉa hè, bãi đất xung quanh khu vực đền đều không còn chỗ trống vì người đứng, người ngồi la liệt.
Gian nan “cướp” ấn
Đến 22 giờ 30 phút, khi nhà đền bắt đầu gióng những hồi chuông để báo hiệu buổi lễ khai ấn bắt đầu, dòng người trở nên hỗn loạn. Mặc dù lực lượng an ninh cố gắng giữ trật tự nhưng họ đã bất lực trước dòng thác người đang ùn ùn đổ về từ mọi phía.
Người sau đẩy người trước khiến đám đông đang ngồi trật tự phía trước barie cũng phải đứng dậy nếu không muốn bị đè bẹp. Làn sóng người, lúc dồn về phía trước, lúc đẩy về phía sau khiến nhiều người đuối sức dần.
Nhiều người chịu không nổi cố gắng rẽ ngược dòng đám đông để lánh ra chỗ vắng nhưng càng cố, họ lại càng bị cuốn đi sâu hơn.
Mặt đỏ bừng toát mồ hôi, anh Nguyễn Hữu Ngọc, Ninh Bình đang cố hết sức để len ra khỏi đám đông. Phải nhờ đến lực lượng chức năng anh Ngọc mới thoát ra được. Ngồi bệt dưới bờ đất sát ruộng, anh Ngọc vẫn chưa hết bàng hoàng.
“Khi chuông rung, tôi đang đứng để vào thì người sau đẩy người trước, cứ thế ẩn tôi cùng những người đứng trước đó lún sâu vào đền nhưng càng lâu thì không thể tiến hơn được nữa nên ai cũng cố gắng ngửa mặt lên trời để hít thở cho đỡ choáng,” anh Ngọc thất thần nhớ lại.
Một số người già, trẻ em do không chịu nổi đã bị ngất ngay tại chỗ, phải nhờ chính đám đông khiêng lên đầu họ để đưa ra chỗ an toàn.
Trên loa phóng thanh, ngoài việc kêu gọi người dân giữ bình tĩnh, ban tổ chức cũng huy động lực lượng cứu thương đến ứng cứu kịp thời.
Sau khi có ấn trên tay, nhiều người quay trở ra cũng rất khó thoát được biển người, người ra người vào đẩy nhau khiến cho giày dép, ấn rơi vung vãi ngay dưới chân.
Cầm trên tay chiếc ấn đen ngòm bởi vết chân người giẫm và bị nhàu nát, chị Đinh Thị Hoa đang ngẩn ngơ tiếc nuối vì có ấn rồi mà không mang được về.
“Vất vả lắm mới xin được ấn nhưng khi quay ra lại không thể cầm được may mắn, có được niềm tin tâm linh mang về nhà,” chị Hoa thều thào nói. Gắng gượng chút sức lực cuối cùng, chị cố lê mình ra bãi đất đầu lối đi để nghỉ sau hành trình gian nan xin ấn.
Có những người rất muốn mang về chiếc ấn dù đã nhàu nhĩ nhưng những bước chân cứ dẫm đạp lên ấn khiến cho họ không nhặt lên được.
Thậm chí có những người cố sức chen chân vào sát cổng đền, và đã vào được tận trong đền song không thể còn ấn để xin.
Mệt nhoài người sau thời gian xếp hàng dài trong cổng đền, anh Nguyễn Tiến Nguyên, Hà Nội vẫn bùi ngùi vì không thể có ấn trong tay.
“Đứng xếp hàng và xô đẩy nhích chân từ 9 giờ tối, khi vào được trong đền lĩnh ấn thì nhà đền không còn cái ấn nào để xin,” anh Nguyên chán nản.
Trong khi đó ở ngoài đường, dòng người vẫn nườm nượp kéo về để tiếp tục xin ấn, cầu may./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.