Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thức tỉnh thế giới về cuộc chiến tàn khốc

Thùy Dương| 14/06/2015 07:13

(HNM) - Làm báo, chụp ảnh cho AP - một hãng tin danh tiếng của Mỹ, cái tên Nick Út đã trở nên nổi tiếng với bức ảnh


Đằng sau những giá trị của sự kiện mà ông ghi lại được là lòng yêu nghề, tính nhân văn, tình đồng loại và tình yêu quê hương tha thiết. Trong buổi khai mạc triển lãm ảnh "Việt Nam - Cận cảnh cuộc chiến" do Hãng thông tấn AP tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam, vị phóng viên kỳ cựu người Mỹ gốc Việt này đã chia sẻ những khoảnh khắc chớp lấy hình ảnh góp phần khiến thế giới thức tỉnh về cuộc chiến tranh tàn khốc tại Việt Nam.

Phóng viên Nick Út trong buổi triển lãm.



- 43 năm trước giới truyền thông Mỹ rất nhạy cảm với những hình ảnh khỏa thân, khi đó bức ảnh “Em bé Napalm” xuất hiện đã làm thay đổi nhiều quan điểm. Tại sao giới truyền thông Mỹ lại chấp nhận đăng tải bức ảnh này, thưa ông?

- Sáng sớm hôm đó, tôi tới thị xã Trảng Bàng và chụp nhiều bức ảnh đồng bào bỏ chạy trên quốc lộ 1 hướng về Sài Gòn. Trong mấy giờ ở đó, tôi chụp nhiều hình ảnh về chiến tranh. Chụp xong khá nhiều hình, tôi định về Sài Gòn ngay vì con đường đó rất nguy hiểm. Sau khi đi theo lính Việt Nam Cộng hòa vào khu rừng gần đó, tôi ra quốc lộ 1 để định về, thì nghe tiếng hai chiếc phi cơ lao tới. Tôi thấy một máy bay thả quả bom làm cả thị xã rung lên, chỉ 2 phút sau chiếc còn lại nhào xuống, thả 4 quả bom Napalm. Khi bom nổ, tôi nhìn vào ống kính máy ảnh, lửa bốc cháy và tôi nghĩ không còn đồng bào nào trong thị xã đó nữa vì họ đã bỏ chạy hết. Đột nhiên, sau làn khói đen có đám trẻ con chạy túa ra, Kim Phúc là một trong số đó, cô bé bị cháy hết quần áo, mảng da trên tay cháy tuột xuống, cô la hét “Nóng quá, ai giúp tôi”. Tôi chớp lấy khoảnh khắc đó rồi chạy tới tưới hai chai nước lên lưng Kim Phúc. Lúc đó, Kim Phúc và gia đình đang đứng ở quốc lộ, tôi không thể bỏ đi được vì không cứu em lúc này thì em sẽ chết, tôi lấy một cái áo mưa che cho em và cho lên xe đưa về bệnh viện ở Củ Chi. Nhưng ở bệnh viện địa phương lúc đó thiếu nhiều phương tiện nên họ từ chối. Tôi đã đưa thẻ nhà báo hãng AP ra và nói nếu họ không chữa thì ngày mai những hình ảnh này sẽ tràn ngập trên các báo, lúc đó họ sợ mới đem em đi cấp cứu. Thực sự tôi nghĩ Kim Phúc sẽ không qua khỏi trong bệnh viện, nhưng cô bé rất may mắn. Sau đó, tôi về Sài Gòn để rửa mấy cuốn phim, mấy biên tập viên nhìn tấm ảnh đã nói tại sao lại chụp ảnh lõa lồ như vậy và chưa quyết định gửi đi ngay. Tuy nhiên, Trưởng đại diện AP tại Sài Gòn Horst Faas đã khẳng định đây là bức hình đáng để phá bỏ luật lệ. Ông tranh luận rằng, giá trị thông tin của bức hình này vượt xa mọi lo ngại về chuyện luật lệ của AP và ông đã thắng. Bức ảnh được chuyển từ Sài Gòn đến Tokyo, sau đó đến New York bằng vô tuyến điện trong khoảng 4 tiếng. Khi AP đăng bức ảnh, toàn thế giới đã bị sốc. Từ đây, những cuộc biểu tình chống Mỹ từ Nhật tỏa ra khắp Châu Âu.

- Vậy theo ông, đây có phải là lý do để tờ New Stateman (Anh) đánh giá là bức ảnh thời sự chính trị xuất sắc nhất qua mọi thời đại?

- Thật ra, tôi chụp rất nhiều bức ảnh về chiến tranh Việt Nam nhưng tấm ảnh đó thể hiện tâm nguyện của anh trai Huỳnh Thanh Mỹ của tôi, là góp phần chấm dứt chiến tranh. Bản thân tôi cảm thấy rất vinh dự vì bức ảnh đó lột tả được bộ mặt chiến tranh ở Việt Nam.

- Bức ảnh “Em bé Napalm” đã làm thay đổi cuộc đời ông và Kim Phúc như thế nào?

- Bức ảnh đó đã làm thay đổi tôi và Kim Phúc rất nhiều. Nhờ bức ảnh đó mà Kim Phúc đã được sống và hiện đang là Đại sứ hòa bình của LHQ. Cô ấy đã đi khắp thế giới để nói chuyện về bức ảnh của cô. Đối với tôi, bao năm nay vẫn là một phóng viên cần mẫn của AP, với lòng yêu nghề tôi chưa có một ngày nào rời công việc yêu thích này.

- Giá trị của bức ảnh này ở thời điểm quá khứ ai cũng biết. Vậy hiện tại, theo ông nó có giá trị như thế nào trong việc bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, trong tương lai của hai nước?

- 20 năm qua, Việt Nam và Mỹ đã có nhiều bước đi nhằm bình thường hóa và tiến tới một quan hệ gần gũi, sâu sắc hơn. Người dân Mỹ ủng hộ tiến trình này và những hành động thực tế để thúc đẩy quan hệ hai nước như việc Mỹ giúp Việt Nam rà phá bom mìn, giải quyết các hậu quả chiến tranh và thắt chặt quan hệ với Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thức tỉnh thế giới về cuộc chiến tàn khốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.