Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thực thi cam kết về môi trường của TPP: Góp phần vào nỗ lực chung

Phương Nhi| 18/04/2016 06:12

(HNM) - Thực tế, các cam kết về môi trường trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được đánh giá là cao hơn và nghiêm ngặt hơn so với các hiệp định thương mại tự do trước đây.

Theo bà Barbara Weisel, Trưởng đoàn đàm phán TPP của Hoa Kỳ, TPP đã dành riêng một chương (Chương 20) để quy định về hệ thống thể chế, quá trình thực hiện và giải quyết tranh chấp về môi trường. Do vậy, nhiệm vụ trước mắt đặt ra cho Việt Nam là lựa chọn đại diện cho Ủy ban Môi trường (phục vụ việc thực hiện TPP), xác định đầu mối hợp tác và thực hiện, xác định các lĩnh vực ưu tiên hợp tác, chỉ định đơn vị chịu trách nhiệm và xây dựng các quy tắc cho quy trình đệ trình công cộng; bảo đảm tuân thủ các cam kết về môi trường. Đặc biệt, ủy ban này còn có trách nhiệm tổng hợp danh sách các hội thẩm viên để giải quyết các tranh chấp phát sinh (bao gồm cả tranh chấp giữa các quốc gia thành viên; tranh chấp giữa nhà đầu tư và quốc gia thành viên).

Cùng về điều này, bà Susan Sutton, Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam khuyến nghị thêm: "Việt Nam cần tăng cường hợp tác quốc tế để thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường một cách hiệu quả hơn; đặc biệt là ngăn chặn các hành vi buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã, xâm hại đa dạng sinh học; đồng thời kiểm soát chặt chẽ các dạng ô nhiễm môi trường".

Việt Nam siết chặt kiểm tra, quản lý hoạt động mua bán động vật hoang dã.


Rõ ràng, việc triển khai các cam kết về môi trường trong hiệp định TPP sẽ khiến Việt Nam gặp không ít thách thức. Đó là việc khai thác thủy sản xa bờ và các hoạt động xuất khẩu thủy sản từ đánh bắt của Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng, do các yêu cầu về loại bỏ trợ cấp đối với hoạt động đánh bắt và các quy định về chứng chỉ sản phẩm đánh bắt phải đạt tiêu chuẩn bền vững. Các hoạt động vận tải biển cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, khi buộc phải đáp ứng các tiêu chuẩn xả thải và các yêu cầu môi trường cao hơn... Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, tham gia TPP sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam tiếp cận nguồn lực, thực hiện việc xử lý ô nhiễm, nâng cao chất lượng môi trường bằng công nghệ tiên tiến, với chi phí thấp hơn; thúc đẩy các hoạt động quản lý, phát triển rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn các loài động vật và giống cây hoang dã nguy cấp; đấu tranh chống đánh bắt cá và các loài sinh vật biển trái phép, cũng như nghiêm cấm một số hình thức trợ cấp nghề cá có tác động tiêu cực, dẫn đến tình trạng khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên cá.

Ông Phan Tuấn Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhấn mạnh: "Đây là cơ hội rất tốt cho Việt Nam. Trước đây, chúng ta đã có nhiều văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường nhưng hiệu quả không như kỳ vọng. Với TPP, chúng ta có thể thúc đẩy việc bảo vệ môi trường nhanh hơn, hiệu quả hơn".

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, việc tham gia TPP tạo thêm "sức ép" tích cực, thúc đẩy Việt Nam hoàn thiện khuôn khổ pháp luật và thực thi pháp luật về môi trường. Nhưng những nỗ lực này chỉ có thể thành công khi có sự đồng lòng, chung sức của cộng đồng, của doanh nghiệp và người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực thi cam kết về môi trường của TPP: Góp phần vào nỗ lực chung

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.