Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thực tập theo tiêu chuẩn của sinh viên bản địa

Nhật Nga| 27/08/2015 06:03

(HNM) - Để chuẩn bị nguồn nhân lực cho công tác xây dựng, phát triển lĩnh vực điện hạt nhân (ĐHN), từ năm 2010 đến nay, nước ta đã cử hơn 400 sinh viên sang học tập chuyên ngành năng lượng nguyên tử tại các trường đại học của Nga.

Đại diện trong số đó là Nguyễn Trị, sinh viên năm thứ 4, Đại học Nghiên cứu hạt nhân quốc gia Nga MePhI. Nguyễn Trị đã dành cho Báo Hànộimới cuộc trao đổi xung quanh công tác học tập, nghiên cứu tại Nga của sinh viên Việt Nam thời gian qua.

Sinh viên Việt Nam đi thực tập tại Nhà máy Điện hạt nhân Novovoronezh. Ảnh: Trị Nguyễn



- Vừa rồi, Trị và các bạn đã được thực tập tại nhà máy ĐHN nào và kéo dài trong thời gian bao lâu? Ngoài sinh viên Việt Nam, còn có sinh viên nước khác đến thực tập trong đợt này không?

- Chúng tôi thực tập tại Nhà máy ĐHN Novovoronezh. Đây là nhà máy đầu tiên sử dụng công nghệ lò phản ứng nước nhẹ áp lực (VVER) tiên tiến của Nga. Nhóm chúng tôi có 28 thành viên, thực tập trong 2 tuần và đợt này chỉ toàn sinh viên Việt Nam. Trước đây đã có các chuyên gia từ Iran, Trung Quốc đến thực tập và thi trình độ, nhưng có thể nói đây là lần đầu tiên Novovoronezh nhận sinh viên nước ngoài đi thực tập theo tiêu chuẩn của sinh viên Nga.

- Trong quá trình thực tập, các bạn có trực tiếp tham gia vào công tác vận hành tại nhà máy ĐHN hay chỉ quan sát, thực hành trên mô hình?

- Chúng tôi thực tập chủ yếu tại Trung tâm giáo dục - huấn luyện của Novovoronezh. Ở đây có mô phỏng phòng điều khiển với tỷ lệ 1:1, chỉ khác thực tế ở chỗ các thiết bị kỹ thuật (như lò phản ứng, lò sinh hơi…) được thay thế bằng máy tính; tất cả các nút bấm, sơ đồ kỹ thuật đều được làm thật, đúng y như trên nhà máy. Chỉ những người đã qua kỳ thi sát hạch kiến thức và kỹ năng của Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga thì mới được phép vào phòng điều khiển thật.

- Trong quá trình học tập cũng như thực tập tại Nga, các bạn có gặp khó khăn gì không?

- Khó khăn ban đầu là làm quen với kỷ luật thép của Novovoronezh, sau đó là phải tiếp thu một lượng kiến thức quá lớn. Với một số hệ thống, chuyên gia sẽ mở video lên dạy, tốc độ đọc tiếng Nga trong video là dành cho người Nga nên chúng tôi khó tiếp thu hết. Sau khi chương trình thực tập kết thúc, tôi đã đại diện cho cả nhóm xin giám đốc trung tâm giảm tải nội dung trên lớp, tức là các chuyên gia chỉ giảng những thứ quan trọng nhất nhưng rất chi tiết với tốc độ vừa phải để cả nhóm thu nhận được đủ kiến thức, kèm với đọc tài liệu ở nhà. Do đó, tôi nghĩ khóa sau đi thực tập sẽ dễ dàng hơn.

Nhìn chung, công tác học tập trong 4 năm của chúng tôi có nhiều thuận lợi. Sinh viên được hưởng nhiều chính sách ưu đãi do Chính phủ Việt Nam quy định đối với người đi đào tạo ở nước ngoài trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

- Môi trường, không khí làm việc tại nhà máy ĐHN có để lại ấn tượng gì sâu sắc trong bạn?

- Tôi đặc biệt ấn tượng với tác phong làm việc nghiêm túc và tinh thần trách nhiệm cao của các kỹ sư trong phòng điều khiển. Họ hoàn toàn không sử dụng điện thoại di động, nếu có thì chỉ có chức năng nghe gọi, không lướt web, vào mạng. Trong quá trình làm việc nếu thấy có gì không tự tin là lập tức hỏi ngay các đồng nghiệp trong phòng, không ngại gì hết. Họ làm việc với sự tập trung cao độ, không bị chi phối bởi những thứ khác. Như tôi đã nói ở trên, để được vào phòng điều khiển, các kỹ sư này đã trải qua những đợt kiểm tra sát hạch khó nhất, kể cả kiểm tra tâm lý, sau đó phải làm qua các vị trí của công nhân một thời gian rồi mới lên làm ở phòng điều khiển được. Nhìn chung, không khí làm việc trong nhà máy ĐHN là cực kỳ nghiêm túc, kỷ luật như ở quân đội, chính xác là vậy!

- Công nghệ được sử dụng tại nhà máy ĐHN các bạn thực tập có điểm tương đồng nào với công nghệ sẽ được phía Nga sử dụng cho nhà máy ĐHN tại Việt Nam hay không?

- Chúng tôi được biết, phía Nga sẽ xây dựng tại Việt Nam nhà máy với công nghệ tiên tiến nhất của họ là VVER 1.200MW, tương tự như cụm thứ 7 trong Nhà máy ĐHN Novovoronezh Nga đang xây dựng, nhưng họ sẽ bổ sung thêm cho nhà máy ở Việt Nam hai kênh an toàn nữa. Hiện cụm nhà máy thứ 7 của họ có 2 kênh an toàn, qua các tính toán thì đủ để ngăn ngừa hầu như mọi sự cố xảy ra dù là nặng nhất, kể cả thiên tai, rơi máy bay, đánh bom. Còn nhà máy tại Việt Nam sẽ sử dụng cả 4 kênh an toàn, tức là mức độ an toàn được nâng lên rất cao ngoài mức cần thiết. Nhà máy có thể hoàn toàn tự động xử lý với sự giám sát của con người nếu có sự cố nghiêm trọng xảy ra.

- Nhiều người Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng vào sự hiệu quả và tính an toàn của nhà máy ĐHN. Là một sinh viên được học tập và có kinh nghiệm thực tiễn tại nhà máy ĐHN, bạn vui lòng chia sẻ đôi lời để mọi người hiểu rõ hơn?

- Tôi không dám khẳng định chắc chắn 100% độ an toàn của các nhà máy ĐHN vì điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Tuy nhiên, thực tế tại Nga cho thấy, từ khi xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên theo công nghệ VVER với công suất 210MW, đi vào hoạt động năm 1964 đến nay thì chưa có một sự cố lớn nào xảy ra. Công nghệ an toàn của các nhà máy sử dụng lò phản ứng nước nhẹ áp lực được Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đánh giá là một trong những công nghệ hàng đầu thế giới hiện nay.

- Xin cảm ơn bạn!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực tập theo tiêu chuẩn của sinh viên bản địa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.