Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thực phẩm chức năng, tốt đâu chưa thấy...

Minh Thúy - Anh Hoàng| 31/12/2011 07:28

(HNM) - Những năm gần đây, thực phẩm chức năng (TPCN) được quảng cáo và rao bán khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn, khiến nhiều người lầm tưởng đây là thuốc chữa bách bệnh (!).

Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm TPCN không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng cũng bán tràn lan, làm cho thị trường TPCN bị "nhiễu" và người dân thì rước họa vào thân do lạm dụng...

Không phải là "thần dược"

TPCN dùng để hỗ trợ chức năng các bộ phận trong cơ thể, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ gây bệnh. Tùy theo công thức, hàm lượng vi chất và cách sử dụng, TPCN còn có các tên gọi: thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sản phẩm dinh dưỡng y học… Tuy có nhãn mác và hình thức rất giống thuốc tây, song TPCN không phải là thuốc, mà chỉ là thực phẩm có công dụng chống lão hóa, tăng sức đề kháng, hỗ trợ làm đẹp, hỗ trợ điều trị một số chứng bệnh... Nếu được sử dụng đúng cách và sản phẩm bảo đảm đúng tiêu chuẩn cho phép thì TPCN cũng mang lại hiệu quả nhất định cho người sử dụng. Cũng từ lợi thế này, nhiều sản phẩm TPCN đã được quảng cáo không đúng sự thật, thiếu chính xác và giá cũng bị đẩy lên cao ngất ngưởng...

TPCN Kình Nguyên Khang đang được bán trên thị trường.

Theo số liệu thống kê, năm 2000 chỉ có khoảng 60 sản phẩm TPCN do 15 cơ sở nhập khẩu thì đến năm 2010, ở Việt Nam đã có tới 3.700 sản phẩm do 1.626 cơ sở nhập khẩu và sản xuất. Tuy nhiên, vì hiểu biết còn hạn chế và quá tin vào những lời quảng cáo thổi phồng, nhiều người đã lầm tưởng TPCN có công dụng điều trị bệnh như thuốc hoặc có trường hợp lạm dụng TPCN với niềm tin mù quáng rằng đó là "thần dược" chữa bách bệnh. Khi sử dụng, nhiều người muốn "đốt cháy" giai đoạn, đã dùng quá liều hoặc chỉ nghe tư vấn từ những người bán hàng đa cấp thiếu chuyên môn, dẫn đến "tiền mất, tật mang". Trung tâm Dị ứng, miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai đã từng điều trị cho bệnh nhân bị nhiễm độc, dị ứng, nổi bọng nước toàn thân do dùng TPCN và theo các bác sĩ tại đây, trường hợp này bị ảnh hưởng đến chức năng gan, thận.

PGS-TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam cho biết: Sự phát triển quá nhanh của TPCN đã gây ra nhiều thách thức và nguy cơ lớn. Chẳng hạn như nhiều sản phẩm đăng quảng cáo không đúng sự thật, thổi phồng về tác dụng, hiệu quả. Khá nhiều quảng cáo không theo quy định của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP)... Do đó, người sử dụng nên hỏi các chuyên gia tư vấn trực tiếp hoặc cơ quan chức năng kiểm duyệt về TPCN và loại sản phẩm định mua. Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục ATVSTP (Bộ Y tế) cho biết thêm: Các sai phạm trong quảng cáo TPCN chủ yếu là do doanh nghiệp. Cơ sở sản xuất công bố chất lượng sản phẩm thì ít nhưng quảng cáo vượt quá công năng sử dụng của sản phẩm lại nhiều. Có rất nhiều doanh nghiệp quảng cáo vượt quá nội dung được cấp phép, thậm chí còn có cả quảng cáo "chui"… Do vậy, ngoài việc tăng cường kiểm tra, giám sát từ phía cơ quan chức năng, người tiêu dùng rất cần nâng cao ý thức, tìm hiểu rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm trước khi sử dụng.

Lành tính vẫn gây hại…

Chúng tôi được biết, chi phí đầu tư một dây chuyền sản xuất TPCN thấp hơn nhiều dây chuyền sản xuất thuốc chữa bệnh và tiêu chuẩn sản xuất TPCN cũng không đòi hỏi nghiêm ngặt như sản xuất thuốc. Nếu đăng ký sản xuất TPCN, doanh nghiệp chỉ cần xin phép Cục ATVSTP với những tiêu chuẩn cấp phép khá dễ dàng và doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm của mình. TPCN ở Việt Nam hiện rất đa dạng về chủng loại nhưng cũng khó có thể khẳng định rằng, trong số đó không có hàng trôi nổi, hàng không rõ nguồn gốc hay hàng không bảo đảm chất lượng. Vào cuối tháng 10-2011, Cục ATVSTP đã phát hiện thực phẩm chức năng Cishi Qingguo capsule chứa chất Sibutramine là chất cấm vì có thể gây ra một số rối loạn, nguy hiểm đến hệ tim mạch ở những người có nguy cơ cao.

Theo một số bác sĩ, chuyên gia về lĩnh vực này TPCN là lành tính, không độc, được tinh chế và đã loại đi những chất không cần thiết. Sản phẩm được làm ra phù hợp với từng nhóm bệnh, lứa tuổi, song không phải là hoàn toàn vô hại bởi bất cứ thứ gì dùng cho con người cũng có thể gây dị ứng và với người có cơ địa dị ứng càng nên thận trọng. Hơn nữa, chất lượng của TPCN cũng còn nhiều điều đáng lo ngại do việc kiểm tra dư lượng kháng sinh, thuốc trừ sâu và việc kiểm soát ATVSTP của các cơ quan chức năng còn nhiều hạn chế, trong khi đó người mua lại thiếu thận trọng, thường dùng theo kinh nghiệm, "truyền tai" nhau. Vì vậy, người tiêu dùng thông minh là người chỉ sử dụng khi biết rằng cơ thể mình thiếu gì, cần bổ sung gì. Khi muốn phòng và hỗ trợ thêm trong điều trị bệnh nên hỏi ý kiến của bác sĩ. Thạc sĩ Hoàng Khánh Toàn, Chủ nhiệm Khoa Y học dân tộc, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 cho rằng: Cần phân biệt rõ TPCN với thuốc vì TPCN chỉ có tác dụng hỗ trợ, còn thuốc có tác dụng trong điều trị bệnh cụ thể. Ngay với thuốc thì hiệu quả, chất lượng cũng còn tùy thuộc vào từng thành phần của thuốc có đúng với chất lượng đã đăng ký với cơ quan chức năng hay không. Hiện nay, có một số phòng khám đông y quảng cáo một đằng nhưng chất lượng thực tế lại khác xa. Do vậy ngoài sự tăng cường kiểm tra, giám sát định kỳ về chất lượng thuốc của các cơ quan chức năng thì người tiêu dùng cần tìm đến các cơ sở có uy tín, sử dụng những thuốc đáng tin cậy trong điều trị bệnh.

Để TPCN phát huy tác dụng, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ khâu cấp phép, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần thận trọng, trước khi sử dụng nên nhờ những người có chuyên môn tư vấn, tránh tình trạng bị lợi dụng, "tiền mất tật mang".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thực phẩm chức năng, tốt đâu chưa thấy...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.