(HNM) - Ngành công nghiệp chế biến thực phẩm trong nước hiện đã thiết lập được chỗ đứng vững chắc không chỉ ở thị trường nội địa, mà còn đẩy mạnh xuất khẩu nhờ chất lượng sản phẩm và uy tín trên thị trường, đạt hiệu quả kinh tế cao,
Dây chuyền sản xuất bánh hiện đại tại Công ty CP Bánh kẹo Tràng An. Ảnh: Bảo Kha |
Vài năm trở lại đây, ngành sản xuất kinh doanh thực phẩm đã có những bước đột phá cả về chất và lượng. Trong đó, ngành sữa có tốc độ phát triển khá nhanh với mức độ tăng trưởng bình quân đạt hơn 20%/năm; tỷ suất lợi nhuận vốn đầu tư từ năm 2000 đến nay luôn cao hơn 15%. Sản phẩm của ngành sữa phong phú, mẫu mã bao bì đa dạng với hơn 300 chủng loại sản phẩm; chất lượng, khẩu vị ngày càng được cải thiện, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Hiện tổng năng lực sản xuất của toàn ngành sữa đạt 796,2 triệu hộp sữa đặc có đường/năm, 778.300 tấn sữa thanh trùng và tiệt trùng/năm, 150.800 tấn sữa chua/năm và 101.500 tấn sữa bột/năm. Các DN trong ngành đều chú trọng đầu tư công nghệ hiện đại với quy mô lớn, ngang bằng so với trình độ công nghệ của ngành sữa thế giới. Nhờ đó sản phẩm luôn đạt chỉ tiêu về an toàn thực phẩm, chất lượng ổn định. Lĩnh vực sản xuất bánh kẹo hiện có khoảng 30 DN trong nước, hàng trăm cơ sở sản xuất nhỏ và một số công ty nhập khẩu bánh kẹo nước ngoài, với tổng sản lượng đạt hơn 100.000 tấn/năm, tổng giá trị thị trường đạt hơn 8.000 tỷ đồng (năm 2012). Đáng chú ý, nhiều loại bánh kẹo sản xuất trong nước được đánh giá cao về chất lượng tương đương với hàng ngoại nhập, giá hợp lý. Ngành công nghiệp chế biến dầu thực vật có 37 DN sản xuất dầu thô và dầu tinh luyện, với năng lực sản xuất 1,2 triệu tấn dầu thô/năm và hơn 1,1 tấn dầu tinh luyện/năm. Năng lực tách phân đoạn toàn ngành đạt 610.000 tấn nguyên liệu/năm. Ngành công nghiệp chế biến dầu của nước ta chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng dân sinh và sản xuất bánh kẹo, sữa, mỳ ăn liền… Từ năm 2000 đến nay, sản phẩm của ngành tăng cả về chất và lượng; trong đó năm 2012 sản lượng dầu tinh luyện đạt 709.000 tấn, xuất khẩu 40.000 tấn.
Theo nghiên cứu "Xu hướng hàng Việt Nam" của Công ty Nielsen Việt Nam thực hiện tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội mới đây cho thấy, 80% người tiêu dùng thích các loại thực phẩm, gia vị và thức uống nhẹ sản xuất trong nước. Khảo sát trong lĩnh vực thực phẩm thì mức độ phổ biến của các thương hiệu nội hoàn toàn lấn át hàng ngoại. Thực tế cho thấy, tính truyền thống của các thương hiệu thực phẩm nội mang lại lợi thế rất lớn nhờ khả năng linh hoạt, nhạy bén và hợp khẩu vị của người tiêu dùng trong nước. Đơn cử như các sản phẩm sữa của Vinamilk, IDP (Công ty CP Sữa quốc tế), TH Truemilk… dù phải chia sẻ thị trường cho hàng chục thương hiệu sữa ngoại nhập, nhưng các sản phẩm nội này vẫn có mặt trong hầu hết mọi gia đình thành thị Việt Nam.
Tuy nhiên, dù có nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển nhưng thực tế ngành công nghiệp thực phẩm nước ta còn nhiều hạn chế. Nguyên liệu phần lớn là nhập khẩu (ngành sữa nhập khẩu nguyên liệu đến 75%, dầu ăn nhập nguyên liệu tới 90%...). Một số DN có quy mô nhỏ, công nghệ sản xuất lạc hậu nên sản phẩm không đạt chất lượng, làm ảnh hưởng đến những thương hiệu uy tín. Để ngành công nghiệp chế biến thực phẩm phát triển, cần nhiều giải pháp đồng bộ, từ phát triển vùng nguyên liệu đến các chính sách hỗ trợ phát triển công nghệ cao. Bên cạnh đó, bản thân DN cần chủ động đổi mới công nghệ, tăng năng suất, đặt chất lượng an toàn thực phẩm làm yếu tố hàng đầu. Thời gian tới, Bộ Công thương và các ngành liên quan sẽ tiếp tục ban hành chính sách khuyến khích phát triển phù hợp, hỗ trợ DN, tạo điều kiện cho ngành công nghiệp thực phẩm phát triển bền vững tại thị trường nội, từng bước chiếm lĩnh thị trường nước ngoài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.