Sản phẩm Flavin 7 (ảnh) chỉ là nước cốt của 7 loại hoa quả nhưng đã được quảng cáo có tác dụng phòng, chữa nhiều bệnh, thậm chí cả bệnh ung thư. Từ đó, giá mỗi lọ sản phẩm này đã được bán tới 2 triệu đồng. Cục An toàn thực phẩm đã có lệnh thu hồi toàn bộ những tờ quảng cáo về Flavin 7 nhưng lệnh này vẫn chưa được thực hiện.
Lời quảng cáo "kỳ diệu"
Tại hành lang cuộc hội thảo quốc tế về ung thư tổ chức tháng 7 vừa qua tại Hà Nội, những tờ rơi giới thiệu về sản phẩm nước cốt hoa quả Flavin 7 được phân phát rộng rãi. Khi đọc nội dung tờ quảng cáo này, chắc chắn ai cũng phải "giật mình" bởi lời giới thiệu quá tuyệt vời về sản phẩm. Chúng tôi xin trích một đoạn quảng cáo sản phẩm: "Flavin 7 là loại nước cốt hoa quả có tác dụng chữa bệnh... Các tinh thể được chiết xuất từ 7 loại hoa quả sạch khác nhau ở Châu Âu và dưới tác dụng của ánh sáng nó được chuyển hoá thành hoạt chất tiêu diệt các mầm mống ung thư... Tác dụng của Flavin 7: Phòng ngừa và chữa tiền ung thư, chống viêm nhiễm, chống dị ứng, bảo vệ hệ tim mạch, bổ gan.
Trong trường hợp ung thư đã di căn, Flavin 7 có tác dụng làm tăng sức đề kháng của bệnh nhân, giảm đau đáng kể, hạn chế sự phát triển của u, kéo dài tuổi thọ...". Đặc biệt hơn là trong tờ rơi đó còn giới thiệu rõ liều lượng sử dụng như một loại thuốc chữa bệnh. Cụ thể, uống để phòng ngừa, uống khi bị phát hiện tiền ung thư, uống khi bị bệnh ở giai đoạn 2 và giai đoạn 3 với liều lượng 5-10ml mỗi ngày và phải uống từ 100 ngày trở lên mới có tác dụng...
Trên tờ rơi này ghi rõ địa chỉ để liên hệ tại VN là Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ Việt- Hung 649 Lạc Long Quân - Tây Hồ - Hà Nội. Gọi điện đến địa chỉ này, chúng tôi được giới thiệu đến 55B Nguyễn Du, một cơ sở khám chữa bệnh tư nhân để mua sản phẩm. Một nữ cán bộ y tế ở đây đã giới thiệu cho chúng tôi sản phẩm và nhắc khéo: Từ năm ngoái đến giờ nhiều người bị bệnh ung thư đến đây mua Flavin 7 về uống. Có người mua hàng chục lọ rồi. Khi được hỏi loại nước hoa quả này có chữa được ung thư không, chị này nói, chắc là có tác dụng người ta mới mua nhiều thế, chứ 2 triệu một lọ có rẻ đâu. Nhờ những lời giới thiệu đó không ít người bệnh ung thư đã tìm mua Flavin 7 như tìm thấy thuốc tiên cho căn bệnh đã gần đất xa trời.
Lừa dối người bệnh đến bao giờ?
Chúng tôi đã mang tờ giới thiệu quảng cáo Flavin 7 đến gặp ông Nguyễn Thanh Phong, Trưởng phòng Truyền thông của Cục An toàn thực phẩm. Vừa nhìn qua tờ quảng cáo, ông Phong đã cầm ngay máy điện thoại gọi đến Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ Việt - Hung với lời yêu cầu đại diện của công ty đến làm việc ngay với Cục. Theo ông Phong, những lời quảng cáo sản phẩm Flavin 7 là hoàn toàn sai với nội dung trong hồ sơ công bố tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký tại Cục vào tháng 10.2003. Trong hồ sơ công bố tiêu chuẩn này, Flavin 7 là một loại thực phẩm bổ dưỡng chứ không phải thuốc chữa bệnh. Flavin 7 chỉ là nước cốt của 7 loại hoa quả gồm: Nho, mận, táo, anh đào, mâm xôi, bodza, ribizli được nhập khẩu từ Công ty Crystal Institute - Hungary.
Phần hướng dẫn sử dụng sản phẩm trong bản công bố không hề có cách uống cho phòng ngừa ung thư, cho người tiền ung thư, ung thư giai đoạn 2 và 3 như đã in trên tờ quảng cáo. Trước những sai phạm nghiêm trọng như vậy của Công ty Việt-Hung, Cục An toàn thực phẩm đã yêu cầu công ty này phải thu hồi ngay những tờ quảng cáo sản phẩm và tiến hành làm các thủ tục đăng ký quảng cáo theo quy định của Bộ Văn hoá -Thông tin và Bộ Y tế về hoạt động quảng cáo trong lĩnh vực y tế. Tưởng rằng, Công ty Việt - Hung sẽ phải tiến hành sửa sai ngay nhưng trái lại, những tờ rơi về Flavin 7 vẫn tiếp tục được phân phát đến người tiêu dùng tại 55B Nguyễn Du. Ngày 11.8, chúng tôi trở lại phòng khám 55B Nguyễn Du, một cán bộ y tế tiếp đón với những lời lẽ quảng cáo rất hoàn hảo cùng với tờ giới thiệu sản phẩm sai trái chưa được thu hồi. Ngày 16.8, trong vai người đến mua hàng, người bán hàng nói đã hết tờ rơi giới thiệu sản phẩm và người bán hàng này đã nói thay cho tờ quảng cáo những tác dụng chữa bệnh tuyệt vời của Flavin 7. Như vậy, đến thời điểm này, lệnh thu hồi của Cục An toàn thực phẩm vẫn chưa được thực hiện.
Về phía Công ty Việt - Hung, sau khi làm việc với phóng viên Báo Lao Động, ngày 5.8.2004 đã có công văn gửi tới báo. Tại công văn này, ông Phạm Viết Sơn, Giám đốc công ty thừa nhận: " Bộ Y tế đã cấp visa số 4264/2003/CBTC-YT ngày 21.10.2003 với tác dụng bổ dưỡng cho Flavin 7." Nói về tác dụng chữa bệnh của Flavin 7 như trong tờ quảng cáo sản phẩm, ông Sơn cho biết: "Công ty đang cùng các bác sĩ tiến hành thử nghiệm lâm sàng để chứng minh tác dụng chữa bệnh mà phía Hungary đã cung cấp là bổ dưỡng, phòng, chữa tiền ung thư, tim mạch, bổ gan, dị ứng thông qua các tài liệu, hội nghị khoa học tại Hungary... Sau thời gian 2 tháng nữa, công ty sẽ có báo cáo khoa học về Flavin 7, nếu kết quả như ở Hungary công ty sẽ làm thủ tục xin lại visa thay đổi tác dụng của Flavin 7...".
Để xác nhận những thông tin mà ông Sơn đưa ra, chúng tôi đã trao đổi với ông Hoàng Văn Thi - Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp - Bệnh viện Ung thư T.Ư. Ông Thi cho biết: "Bệnh viện không có hợp tác nghiên cứu thử nghiệm nào về Flavin 7 trên bệnh nhân ung thư. Chưa có nghiên cứu nào trên thế giới nói nước hoa quả mà phòng, chữa được ung thư, đó chỉ là thứ nước bổ dưỡng". Như vậy, rõ ràng Công ty Việt - Hung đã lừa người tiêu dùng bằng những lời quảng cáo quá mức về sản phẩm và "qua mặt" cơ quan quản lý. Một điều đáng nói nữa là giá một lọ nước cốt hoa quả 200ml có giá tới 2 triệu đồng. Nếu theo hướng dẫn sử dụng sản phẩm thì mỗi người bệnh phải uống một đợt là 5 lọ. Vì sao giá lại quá đắt như vậy?
Ông Sơn cho biết, giá nhập về đến VN đã lên đến 1,4-1,5 triệu đồng/lọ. Giá bán đến người tiêu dùng là 2 triệu đồng/lọ. Giá đắt vì để có được một lọ nước cốt hoa quả 200ml phải chiết xuất từ 140kg hoa quả, hơn nữa do là sản phẩm mới phải tốn nhiều chi phí...(?)
Hơn 1 năm qua người tiêu dùng đã bị mất một khoản tiền lớn cho một loại nước cốt hoa quả có tác dụng chữa bệnh... chưa được chứng minh rõ ràng. Công ty Việt - Hung sẽ còn tiếp tục lừa dối người bệnh đến bao giờ?
NP (LĐ)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.