Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thực phẩm bẩn - Nỗi lo của nhiều cử tri

Việt Tuấn| 12/07/2016 07:12

(HNM) - Khâu tổ chức thực hiện bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) của các cấp chính quyền còn hạn chế; một số địa phương quản lý lỏng lẻo dẫn đến chậm phát hiện và không xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm..., gây lo lắng trong dư luận.

Đoàn liên ngành kiểm tra chất lượng thực phẩm trên thị trường.


Điều cử tri Thủ đô liên tục kiến nghị trong các cuộc tiếp xúc gần đây là các cấp chính quyền, các ngành chức năng phải nhận rõ trách nhiệm, quyết liệt vào cuộc ngăn chặn thực phẩm bẩn và xử lý nghiêm nhằm giảm thiểu tác hại đến sức khỏe cộng đồng.

Hà NỘI có gần 2.500 điểm, hộ giết mổ gia súc nhỏ lẻ thủ công, hơn 400 chợ, 90 siêu thị và 20 trung tâm thương mại. Theo Ban Chỉ đạo ATVSTP TP Hà Nội, từ đầu năm 2016 đến nay, UBND thành phố đã ban hành hơn 30 văn bản chỉ đạo và triển khai công tác bảo đảm ATVSTP trên địa bàn. UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm (ATTP), lấy mẫu thực phẩm xét nghiệm… Các lực lượng chức năng cũng đã tăng cường phối hợp kiểm tra, nhưng tình trạng sản xuất kinh doanh vận chuyển thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc vẫn diễn biến phức tạp.

Bà Nguyễn Thị Huyền, cử tri phường La Khê (quận Hà Đông) cho rằng, điều nhân dân lo lắng hiện nay là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn xã, phường có quy mô nhỏ lẻ, nhưng lại tràn lan ở các chợ tạm, chợ cóc rất khó kiểm soát. Cử tri Ngô Thị Kim Ngân, phường Mỹ Đình 1 (quận Nam Từ Liêm) phản ánh, chỉ bằng mắt thường thì rất khó phân biệt đâu là thực phẩm sạch, đâu là thực phẩm bẩn. Việc kiểm tra chất lượng thực phẩm phải do cơ quan chuyên môn, với công cụ hỗ trợ, thiết bị chuyên dùng và đặc biệt cần sự quản lý chặt chẽ từ cơ quan quản lý nhà nước.

Theo đánh giá của Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội Đào Thanh Hải, tình hình vận chuyển, buôn bán thực phẩm nhập lậu, không bảo đảm ATTP từ các tỉnh khác vào địa bàn Hà Nội có giảm, song còn diễn biến phức tạp. Việc kiểm soát tuyến đường giao thông từ các tỉnh vận chuyển thực phẩm vào Hà Nội gặp khó khăn, bởi các đối tượng vi phạm dùng thủ đoạn tinh vi, thường vận chuyển vào ban đêm hoặc gửi nhỏ lẻ trên các tuyến xe khách.

Luật ATTP năm 2010 đã chuyển hoạt động quản lý sang cơ chế quản lý theo nhóm sản phẩm. Ba ngành: Y tế, Công thương, NN&PTNT được giao quản lý ATTP đối với từng loại sản phẩm trong suốt quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh thay vì chỉ quản lý một công đoạn như quy định của Pháp lệnh VSATTP trước đây. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng, công cụ hỗ trợ còn thiếu… nên kết quả chưa như mong đợi. Vì thế, dù có cán bộ kiểm tra, kiểm dịch thường xuyên, nhưng ngay tại một số siêu thị, chợ truyền thống, thực phẩm bẩn vẫn còn. Tại nhiều cuộc tiếp xúc, cử tri liên tục kiến nghị, tới đây khi phát hiện tổ chức, cá nhân vi phạm, cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm minh, công khai để làm gương. Tiếp thu kiến nghị của cử tri, Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố khẳng định sẽ tăng cường giám sát để tham mưu với HĐND thành phố ban hành chính sách nhằm siết chặt quản lý về ATVSTP trên địa bàn thành phố.

Phía chính quyền thành phố cũng đã và đang tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều chương trình, giải pháp, trong đó có Kế hoạch hành động Năm cao điểm ATVSTP trong lĩnh vực nông nghiệp (UBND thành phố ban hành tháng 4-2016). Theo đó, ngoài việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, tuyên truyền đến người tiêu dùng, UBND thành phố chỉ đạo tăng cường tổ chức hệ thống lấy mẫu giám sát, cảnh báo, điều tra, truy xuất, xử lý tận gốc đối với sản phẩm, cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm các quy định về ATVSTP. Theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu, Sở Y tế được giao chủ trì phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã xây dựng mô hình, phương pháp thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm ATVSTP đặc thù; thành lập, tổ chức các tổ công tác như mô hình 141 của ngành Công an.

Bên cạnh đó, theo kiến nghị của cử tri, cùng với tuyên truyền, nâng cao nhận thức của tập thể, cá nhân về bảo đảm ATVSTP, các cơ quan quản lý cần mở rộng địa bàn thanh tra ở các quận, huyện, thị xã, nhất là thường xuyên thanh tra đột xuất lò giết mổ, thực phẩm đường phố… và công khai các cơ sở vi phạm. Đặc biệt, các cấp, ngành cần tăng cường tuyên dương, khen thưởng, có cơ chế bảo vệ cá nhân dám tố cáo, phanh phui những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn. Chỉ khi có tai mắt của nhân dân, cùng với sự vào cuộc tích cực, kiên quyết của các cơ quan chức năng… mới hạn chế được tình trạng vi phạm, giảm bớt nỗi lo mất ATVSTP của người tiêu dùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực phẩm bẩn - Nỗi lo của nhiều cử tri

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.