(HNM) - Chiều 7-8, Bộ Y tế đã phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị tăng cường công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết (SXH) khu vực Tây Nguyên. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự.
Ảnh: VGP/Đình Nam |
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), kể từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 49.000 trường hợp mắc SXH tại 48 tỉnh, thành phố, trong đó có 17 trường hợp tử vong. Hiện tỷ lệ người dân mắc bệnh SXH tại nhiều địa phương ở Tây Nguyên cao gấp nhiều lần so với mức trung bình của cả nước.
Dù Ngành Y tế các tỉnh Tây Nguyên đã có nhiều nỗ lực trong phòng, chống dịch SXH nhưng tại nhiều buôn, làng, người dân còn lơ là, chủ quan, không thực hiện các biện pháp phòng bệnh; thậm chí tỷ lệ tự điều trị tại nhà còn cao. Bên cạnh đó, chính quyền một số địa phương cũng chưa coi trọng công tác chủ động phòng, chống dịch bệnh SXH, chưa tích cực triển khai các hoạt động cụ thể. Việc xử lý ổ dịch SXH cũng chưa triệt để như tại TP Pleiku (tỉnh Gia Lai) có hơn 1.000 trường hợp mắc bệnh nhưng chỉ phun hóa chất diệt muỗi được 221 khu vực có trường hợp bệnh.
Trực tiếp thị sát một số ổ dịch SXH trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, biện pháp quan trọng nhất để phòng chống dịch, đó là phải thay đổi thói quen người dân, không để cho nước tù đọng trong các vật dụng sinh hoạt, thả cá vào bể nước sinh hoạt, hòn non bộ để diệt lăng quăng, xử lý các vật liệu phế thải như lốp xe cũ, chum vại, chai lọ… Phó Thủ tướng cũng lưu ý Ngành Y tế phải hướng dẫn cụ thể về cách điều trị, bảo đảm đủ thuốc điều trị cho người bệnh; không để dịch SXH bùng phát, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, đời sống của người dân...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.