(HNM) - Tại trụ sở Chính phủ, chiều 13-1, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đã chủ trì cuộc họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo. Cùng dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Phó Trưởng ban Chỉ đạo và lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan trung ương.
Tại COP26, Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ này; cùng với hơn 100 quốc gia tham gia cam kết giảm phát thải metan toàn cầu vào năm 2030; cùng 140 quốc gia tham gia tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; cùng 48 quốc gia tham gia tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; cùng 150 quốc gia tham gia Liên minh hành động thích ứng toàn cầu.
Các ý kiến tại cuộc họp thống nhất nhận định, cam kết của Việt Nam tại COP26 đã phát đi tín hiệu mạnh mẽ về quyết tâm cao trong ứng phó với biến đổi khí hậu, ngay lập tức nhận được sự đánh giá cao và sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, mở ra cơ hội tận dụng sự dịch chuyển của nguồn tài chính toàn cầu cho phát triển ít phát thải vào Việt Nam, đồng thời mở ra nhiều cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải các bon, phát triển bền vững là xu thế không thể đảo ngược. Đây cũng là vấn đề quan trọng với Việt Nam - một nước đang phát triển và là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu.
Nhấn mạnh thêm một số nội dung, Thủ tướng chỉ rõ, đây là chương trình lớn, quan trọng để góp phần thực hiện, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kế hoạch 5 năm, chiến lược 10 năm về phát triển nhanh và bền vững, đạt được hai mục tiêu 100 năm vào năm 2030 (100 năm thành lập Đảng) và năm 2045 (100 năm thành lập nước). Thủ tướng phân tích, việc thực hiện chương trình có những thuận lợi nhưng khó khăn nhiều hơn, song đã cam kết thì phải thực hiện quyết liệt, hiệu quả, thực chất và chúng ta có lợi ích rất lớn nếu thực hiện được cam kết này.
Thủ tướng yêu cầu rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách để thu hút nguồn lực tài chính, công nghệ cao, nhân lực chất lượng cao, kinh nghiệm quản trị và tổ chức thực hiện thật hiệu quả các giải pháp đề ra.
Về lộ trình, Thủ tướng nêu rõ, chương trình vừa giải quyết các vấn đề chiến lược, lâu dài, đồng thời vừa giải quyết các vấn đề trước mắt nên phải hoàn thành nhanh việc xây dựng kế hoạch năm 2022 của Ban Chỉ đạo. Theo đó, trong quý I năm 2022, các bộ, ngành phải chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch trong lĩnh vực quản lý để ứng phó biến đổi khí hậu, với các nhiệm vụ chủ yếu để tập trung xử lý 8 vấn đề: Chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng sạch; giảm phát thải khí nhà kính; giảm phát thải khí metan; phát triển ô tô chạy điện; trồng rừng để hấp thụ CO2; nghiên cứu vật liệu xây dựng và phát triển đô thị phù hợp phát triển xanh, bền vững; truyền thông để toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp cùng vào cuộc; đẩy mạnh chuyển đổi số… Trong quý II, Ban Chỉ đạo sẽ xem xét, thống nhất và trình các cấp có thẩm quyền chương trình tổng thể thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26; tổ chức triển khai bài bản, quyết liệt, hiệu quả sau khi được thông qua.
Theo Thủ tướng, nhiều quốc gia, đối tác, tổ chức tài chính quốc tế rất quan tâm, ủng hộ Việt Nam, muốn Việt Nam trở thành hình mẫu ứng phó biến đổi khí hậu trong các nước đang phát triển. Vì vậy, chúng ta phải tận dụng, tranh thủ tốt nhất cơ hội này, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước, truyền tải được tinh thần chuyển đổi xanh tới các bộ, ngành, địa phương và người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.