(HNMO) - Ngày 25-12, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai công tác Tòa án nhân dân hai cấp thành phố Hà Nội năm 2021.
Đến dự và chỉ đạo hội nghị có Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn.
Năm 2020, Tòa án nhân dân hai cấp thành phố Hà Nội đã thụ lý hơn 38.000 vụ án, đạt tỷ lệ 90%. So với cùng kỳ năm 2019, số thụ lý tăng hơn 2.700 vụ, số giải quyết hơn 6.400 vụ. Trong đó, đã thụ lý 53 vụ/157 bị cáo bị truy tố về tội tham nhũng, đã giải quyết 44 vụ/135 bị cáo, đang giải quyết 9 vụ/22 bị cáo. Về công tác thu hồi tài sản tham nhũng trong hoạt động xét xử đạt được những kết quả tốt; đặc biệt trong vụ án xảy ra tại MobiFone, đã thu hồi được toàn bộ số tiền Nhà nước bị thiệt hại và số tiền các bị cáo chiếm hưởng là hơn 6 triệu USD…
Về phương hướng, nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2021, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu của Quốc hội cũng như Tòa án nhân dân Tối cao giao cho về tỷ lệ giải quyết các loại án hình sự (đạt từ 90% trở lên), án dân sự đạt từ 85% trở lên… Trong công tác xét xử các loại án hình sự, bảo đảm xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm cũng như không để xảy ra việc vi phạm thời hạn tạm giam trong quá trình xét xử.
Ngoài ra, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội cũng đẩy nhanh tiến độ, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp và các vụ án dư luận xã hội quan tâm; chú trọng công tác thu hồi tài sản, kiên quyết khởi tố vụ án tại phiên tòa nếu phát hiện tội phạm mới và người phạm tội mới…
Phát biểu tại hội nghị, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình gửi lời chúc mừng tới tập thể lãnh đạo và cán bộ công chức, viên chức Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã đạt được trong năm 2020. Nổi bật là chất lượng xét xử được nâng lên, tỷ lệ hủy, sửa bản án giảm dần, nằm trong giới hạn cho phép.
Nêu rõ một trong những nhiệm vụ trọng tâm phải tổ chức triển khai thực hiện của Luật Hòa giải bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2021, đồng chí Nguyễn Hòa Bình đề nghị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội coi đó là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Bên cạnh đó, tập trung xây dựng hệ thống tòa án trong sạch vững mạnh, đặc biệt là đội ngũ thẩm phán chất lượng, kỷ luật; xây dựng sự thanh liêm của thẩm phán…
Thay mặt lãnh đạo thành phố Hà Nội phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn biểu dương, đánh giá cao nỗ lực và kết quả đạt được của ngành Tòa án năm 2020, góp phần quan trọng ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của thành phố.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, thành phố luôn quan tâm chỉ đạo công tác tổ chức cán bộ, hỗ trợ, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, để các cơ quan tư pháp, trong đó có Tòa án nhân dân thành phố hoàn thành tốt các nhiệm vụ.
Cùng với đề nghị ngành Tòa án thành phố tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của năm 2021, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị Ban Cán sự đảng Tòa án nhân dân thành phố tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác cải cách tư pháp, đặt ra mục tiêu cao hơn trong thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Quốc hội giao, nâng cao chất lượng xét xử, hạn chế thấp nhất tình trạng án hủy, sửa; quán triệt và sớm xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, tham gia trách nhiệm và hiệu quả các chương trình công tác trọng tâm toàn khóa của Thành ủy Hà Nội.
Nhân dịp này, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.