(HNM) - Từ ngày 13-2, thành phố điều chỉnh phương án đổi giờ học, giờ làm để tiếp tục giải bài toán ùn tắc giao thông. Khung giờ mới được điều chỉnh sớm hơn một giờ (18h so với 19h như trước đây) đã hạn chế được xáo trộn trong cuộc sống hằng ngày của người dân. Hànộimới ghi nhận một số ý kiến của bạn đọc về vấn đề này.
Điều chỉnh theo khung giờ học mới, bước đầu TP Hà Nội đã giảm ùn tắc giao thông. Ảnh: Bá Hoạt |
Ông Nguyễn Đức Hải (Hiệu trưởng Trường THPT Cầu Giấy, quận Cầu Giấy): Áp dụng linh hoạt quy định để hạn chế ảnh hưởng đến học sinh
Sau khi có chỉ đạo điều chỉnh giờ học của thành phố và Sở GD-ĐT, nhà trường đã thống nhất với phụ huynh học sinh toàn trường, dồn thời khóa biểu học chính thức một ca vào buổi sáng, buổi chiều chỉ học ngoại khóa, bồi dưỡng học sinh giỏi… Các lớp buổi chiều này tan muộn nhất vào 16h30, vừa không ảnh hưởng đến giao thông vừa giúp các em và bố mẹ đi lại đỡ vất vả. Nhưng để làm được việc này thì nhà trường phải có điều kiện bảo đảm được đầy đủ cơ sở vật chất để tổ chức các lớp học cho cả ba khối. Trường THPT Cầu Giấy phải dồn tất cả các phòng chức năng để có thêm lớp học, ví như văn phòng Đoàn Thanh niên phải "ở chung" với tổ chức Công đoàn. Vì vậy, thầy trò Trường THPT Cầu Giấy vẫn hoàn thành việc dạy và học mà không làm ảnh hưởng đến giao thông thành phố vào giờ cao điểm cũng như học sinh và phụ huynh không phải lo cảnh tắc đường mỗi khi tan học.
Bà Trần Hồng Vân (phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa): Giao cho các trường quyền tự quyết trong khung giờ cho phép
Theo điều chỉnh của UBND TP và hướng dẫn thực hiện của Sở GD-ĐT, từ ngày 13-2, đối với học sinh các trường mầm non, tiểu học và THCS, cha mẹ có thể đón trước 17h. Giờ vào học cũng linh hoạt từ 7h30 đến 8h, các trường chủ động sắp xếp. Mừng nhất là học sinh các trường THPT sẽ được ra về sau 18h, còn những trường học sinh học một ca, học ngoại khóa hay bồi dưỡng học sinh giỏi sẽ tự chủ động giờ về để tránh giờ cao điểm. Việc giao cho các trường quyền tự quyết định thời gian vào lớp và tan học là biện pháp điều chỉnh phù hợp, đúng đắn sau hai tuần thí điểm. Điều này giúp các trường căn cứ điều kiện thực tế dạy và học cũng như các điều kiện khách quan để chủ động cân đối giờ giấc, hạn chế ảnh hưởng đến lịch sinh hoạt hằng ngày của các em. Ví như ở ngoại thành ít ùn tắc giao thông, đường không có đèn cao áp chiếu sáng, chất lượng mặt đường không tốt… nhà trường có thể linh hoạt cho các em nghỉ sớm để bảo đảm an toàn. Các trường mầm non, tiểu học, học sinh chủ yếu nhà gần trường, nhà nào có ông bà, người thân đón con em được từ sau 16h thì càng khuyến khích để giảm tải giao thông vào giờ cao điểm…
Ông Trịnh Đức Tuấn (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình): Bớt vất vả cho phụ huynh học sinh
Tôi có con gái học lớp 10, trường cách nhà đến 5-6 cây số. Hai tuần vừa qua, việc đưa đón con đi học khá vất vả, bản thân cháu cũng không sung sướng gì. Về quá muộn cũng khiến sức khỏe ảnh hưởng, học hành uể oải. Bố mẹ tan giờ làm cũng phải vật vờ hàng tiếng đồng hồ mới đến giờ đón con. Điều chỉnh mới này khiến gia đình tôi như trút được gánh nặng. Được về sớm một tiếng đồng nghĩa với việc tan giờ làm có thể đến ngay trường đón con, cả nhà có thể ăn cơm tối cùng nhau, cháu có thêm thời gian để ôn bài buổi tối hoặc đi học thêm ngoại ngữ… Thời điểm này cũng đã là gần cuối giờ cao điểm buổi chiều, đướng sá đã thông thoáng hơn, đi lại không quá khó khăn. Việc điều chỉnh giờ học của con cái cũng khiến bố mẹ yên tâm hơn mà làm việc. Nói gì thì nói, nếu vào lúc con cái ở ngoài đường vì giờ nghỉ trưa quá dài hay chiều về quá muộn thì không bố mẹ nào yên tâm được mà cũng phải điều chỉnh công việc cho phù hợp với giờ đưa đón con.
Phan Tùng Lâm (học sinh Trường THPT Đống Đa): Học sinh, sinh viên đi xe buýt đã thuận tiện hơn
Tuyến đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân), đường Láng và đường Xuân Thủy (Cầu Giấy) là những tuyến cao điểm của xe buýt vì khu vực này tập trung nhiều trường đại học, THPT. Khi chưa điều chỉnh giờ học, giờ làm, em thường phải đi học sớm hơn cả tiếng đồng hồ mới "bắt" được xe, đi sát giờ học thì thường xuyên chịu cảnh xe bỏ bến, hoặc có dừng lại cũng chẳng còn chỗ mà len chân lên. Nhiều hôm lên được xe rồi mà vẫn bị muộn học vì đường tắc, xe buýt chỉ đứng im giữa biển xe máy. Hai tuần gần đây, việc đi học bằng xe buýt của em và bạn bè đã đỡ vất vả hơn nhiều. Tại các điểm chờ xe vào những giờ em đi, chủ yếu là học sinh, sinh viên nên xe cũng không quá tải, thỉnh thoảng em còn được ngồi ghế, điều hầu như không bao giờ có trước đây. Việc xe di chuyển trên đường cũng dễ dàng hơn, trong hai tuần vừa qua em không lần nào bị muộn giờ học.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.