(HNM) - Những ngày này, Hồ Gươm như một công trường nhỏ khi UBND TP Hà Nội chỉ đạo khẩn trương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp chữa bệnh cho rùa và bảo vệ cảnh quan, môi trường nơi đây. Trong khi đó, mọi công việc về kỹ thuật chữa trị cũng đang được các chuyên gia triển khai ráo riết.
Bắt, dẫn rùa không dễ
Ngoài việc chữa bệnh bằng giải pháp nào khi Việt Nam hầu như chưa có chuyên gia sâu trong lĩnh vực này thì với những người được giao nhiệm vụ chữa bệnh cho rùa, công việc bắt rùa là bài toán chỉ có đáp số duy nhất: an toàn tuyệt đối. Việc không dễ như khi người ta bắt rùa vì mục đích thương mại và càng không dễ với một cá thể có trọng lượng ước đoán khoảng 200kg như rùa Hồ Gươm.
Lắp đặt hệ thống hàng rào và bể chứa nước xung quanh khu vực Tháp Rùa.Ảnh: Viết Thành
Ông Nguyễn Ngọc Khôi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn thương mại Hà Nội Khang Anh Trang - người có khoảng 20 năm nuôi và nghiên cứu về rùa - cho biết, nếu một cá thể rùa mai mềm nặng khoảng 20kg đang ở dưới bùn (có 20cm nước) thì ít nhất phải có 4 người mới có thể đuổi bắt đưa vào thuyền bằng tay. Đối với rùa Hồ Gươm, tát cạn hồ để bắt là không thể. Với rùa có trọng lượng khoảng 2 tạ, quá trình bắt không cẩn trọng, để rùa giãy giụa trên bờ sẽ dẫn đến hiện tượng vỡ gan, vỡ mật là vô phương cứu chữa.
Theo các nhà động vật học, giải pháp bắt rùa Hồ Gươm an toàn nhất chính là để rùa tự bò lên Tháp Rùa, từ đó lưu giữ rùa ở đây trong quá trình chữa bệnh. Điều này phù hợp với tập tính thông thường của rùa vì chúng thích lên bờ phơi nắng vào những ngày trời ấm. Đến nay, ngoài bốn lối cho rùa bò lên được để trống, khu vực Tháp Rùa đã được bao quanh bởi một hàng rào cao khoảng 60cm để cách ly rùa. Tuy nhiên, không ai khẳng định được là rùa có tự lên Tháp Rùa hay không. Do đó, nếu sau khoảng 2 tuần hoàn thành việc cải tạo đường lên và lập bể lưu giữ mà rùa không tự lên thì sẽ áp dụng giải pháp bắt, dẫn rùa. Hiện Chi cục Thủy sản đã hoàn thành việc gia công lưới đặc chủng để bắt rùa. Đây là loại lưới mắt nhỏ, mềm để không làm ảnh hưởng đến các vết thương trên thân rùa. Bắt đầu từ ngày 4-3, việc giám sát để bắt, dẫn rùa về Tháp Rùa đã được thực hiện mỗi ngày ba ca liên tục.
Cùng với việc bắt, lưu giữ rùa, công tác chuẩn bị điều kiện đưa rùa vào vị trí chữa bệnh để bảo đảm môi trường sống mới không gây "sốc" cho rùa đã được chuẩn bị kỹ lưỡng. Theo TSKH Nguyễn Viết Vĩnh (chuyên gia của Bộ Thủy sản cũ), môi trường mới này phải được kiểm soát về nhiệt độ, chỉ số oxy hòa tan, pH, COD, BOD... để giúp rùa bình phục và sau chữa trị mà không tiếp tục nhiễm trùng. Ngoài ra, một loạt các vấn đề về thức ăn, cải tạo môi trường hồ cũng được tính toán kỹ lưỡng với sự vào cuộc của nhiều cơ quan chuyên ngành trung ương và Hà Nội.
Chữa bệnh cho rùa sẽ mất bao lâu?
Trong khi các công đoạn chuẩn bị cho việc lập "bệnh viện dã chiến" ở chân Tháp Rùa được khẩn trương triển khai, các chuyên gia trong Hội đồng chữa trị rùa Hồ Gươm do bác sỹ thú y Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT làm Chủ tịch cũng rốt ráo vào cuộc. Ngoài các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, ĐH Nông nghiệp Hà Nội, Viện Bỏng trung ương, Bệnh viện Da liễu Hà Nội... việc mời các chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm chữa bệnh cho rùa đã được tính đến. Theo đó, phương án chữa trị được quyết định là sau khi đưa rùa lên cạn sẽ lấy mẫu bệnh phẩm nhằm chẩn đoán chính xác nhất rồi mới dùng thuốc bôi ngoài da nhằm diệt khuẩn, nấm bằng kháng sinh. Ngoài ra, một số loại thảo dược cũng sẽ được sử dụng trong quá trình lưu rùa tại bể.
Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là việc chữa bệnh cho rùa cần bao nhiêu thời gian? Đến nay, việc này mới chỉ được dự kiến là mất khoảng 90-100 ngày trong trường hợp rùa bị nấm, tổn thương mặt ngoài và sức đề kháng kém do tuổi tác. Hiện nay, sơ bộ đã có phương án ban đầu, như: nếu rùa bị virus thì chữa ra sao, dùng thuốc gì và nếu bị nấm thì chữa thế nào... Tuy nhiên, khi bắt được rùa sẽ phải lấy mẫu xét nghiệm sau đó có hội chẩn để tìm phương án tối ưu nhất. Đây là công việc khó khăn và không thể nói trước sẽ bao giờ thực hiện xong vì Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong vấn đề này và cũng chưa rõ rùa bị bệnh gì. Theo kinh nghiệm quốc tế, nếu rùa mắc bệnh nặng, liên quan đến phần mai và nội tạng thì thời gian sẽ không dừng lại ở con số nêu trên. "Kinh nghiệm chữa bệnh cho rùa mai mềm ở Trung Quốc, được cho là cùng loài với rùa Hồ Gươm cho thấy thời gian trị bệnh có thể tới 6 tháng, thậm chí là hàng năm" - TS, Bác sỹ thú y cao cấp Nimal Fernando (Công viên Đại Dương - Hồng Kông) khẳng định.
Theo TS. Phan Thị Vân (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I), cần đối xử với rùa như một cá thể động vật đang có bệnh và với cá thể có trọng lượng lớn như rùa Hồ Gươm thì việc cân nhắc biện pháp gây mê phải được tính đến. Theo tính toán của TS. Phan Thị Vân, ngoài công đoạn bắt rùa lên cạn, việc chữa bệnh còn tới 11 công đoạn khác. Đặc biệt, sau khi quyết định chủng loại thuốc, liều lượng và phác đồ điều trị, cần tiến hành thử thuốc trên loài tương đối gần với rùa Hồ Gươm là ba ba. Ngoài ra, khi rùa lành bệnh vẫn phải cách ly trong một thời gian để tiếp tục theo dõi.
Cuộc chạy đua với thời gian để bảo vệ rùa và cảnh quan môi trường Hồ Gươm - "lẵng hoa giữa lòng Thủ đô", là quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân Hà Nội. Nhưng cũng cần thấy rằng, công việc này làm cấp bách, khẩn trương bao nhiêu thì việc tuân thủ cơ sở khoa học, có tính toán kỹ lưỡng vì sự sống của loài rùa đặc biệt quý hiếm càng cần thiết hơn bấy nhiêu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.