Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thực hiện hợp pháp quyền thừa kế theo pháp luật

11/04/2013 07:10

Bố mẹ tôi có một thửa đất và 3 người con. Năm 1971, bố tôi mất không để lại di chúc, mẹ tôi chia cho 2 người con trai, mỗi người 1/3 thửa đất và đã xây nhà kiên cố (3 tầng). Còn lại 1/3 diện tích là nhà cấp 4 mẹ tôi ở. Đầu năm 2013, mẹ tôi mất không để lại di chúc. Vậy tôi có quyền được hưởng thừa kế phần tài sản nói trên hay không và nếu được thì tôi cần phải làm các thủ tục gì? Nguyễn Thị Nhàn (Quốc Oai, Hà Nội)

Bố mẹ tôi có một thửa đất và 3 người con. Năm 1971, bố tôi mất không để lại di chúc, mẹ tôi chia cho 2 người con trai, mỗi người 1/3 thửa đất và đã xây nhà kiên cố (3 tầng). Còn lại 1/3 diện tích là nhà cấp 4 mẹ tôi ở. Đầu năm 2013, mẹ tôi mất không để lại di chúc. Vậy tôi có quyền được hưởng thừa kế phần tài sản nói trên hay không và nếu được thì tôi cần phải làm các thủ tục gì?
Nguyễn Thị Nhàn (Quốc Oai, Hà Nội)

Luật gia Hoàng Xuân Hiến (ĐT: 0983.351.928; email: hoang xuanhienqo@gmail.com) trả lời:

Theo thông tin chị Nhàn cung cấp, tài sản mà bố chị để lại khi chết (năm 1971) là 1/2 mảnh đất chung của bố mẹ chị. Nếu áp dụng theo pháp luật hiện hành thì 1/2 mảnh đất của bố chị sẽ được chia đều cho các đồng thừa kế là mẹ chị, hai người con trai và chị. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, mẹ chị đã chia cho mỗi người con trai 1/3 diện tích đất, còn lại 1/3 diện tích là nhà cấp 4 thì mẹ chị ở, tính đến thời điểm này đã là hơn 40 năm cho nên đã hết thời hiệu khởi kiện về thừa kế (theo quy định của pháp luật là 10 năm). Cho nên trong trường hợp này, vấn đề hưởng quyền thừa kế của chị Nhàn chỉ còn đề cập đến diện tích đất mà mẹ chị đã sử dụng. Chị Nhàn cho biết: Đầu năm 2013, mẹ chị chết không để lại di chúc, cho nên căn cứ điểm a, Khoản 1, Điều 675 và Điều 676 Bộ luật Dân sự 2005, quy định thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong những trường hợp không có di chúc: - Hàng thừa kế thứ nhất theo pháp luật gồm vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết; - Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

Theo quy định trên, khi mẹ chị Nhàn chết không để lại di chúc nên chị và những người con của mẹ chị thuộc trường hợp thừa kế theo pháp luật (thuộc hàng thừa kế thứ nhất và được hưởng phần di sản bằng nhau).

Căn cứ Khoản 1, 2 Điều 49 Luật Công chứng 2006 quy định:
1. Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì họ có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản.

Trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản, người được hưởng di sản có thể tặng cho toàn bộ hoặc một phần quyền hưởng di sản của mình cho người thừa kế khác.

2. Trong trường hợp di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì người yêu cầu công chứng phải xuất trình giấy tờ để chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó.

Trong trường hợp thừa kế theo pháp luật, người yêu cầu công chứng cũng phải xuất trình giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế.
Trong trường hợp thừa kế theo di chúc, người yêu cầu công chứng cũng phải xuất trình di chúc.

Theo quy định nêu trên thì chị Nhàn được hưởng phần di sản do mẹ để lại. Để hợp pháp, chị và các đồng thừa kế cần liên hệ với phòng công chứng hoặc văn phòng công chứng nơi có di sản mẹ chị để lại để thực hiện việc hưởng thừa kế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện hợp pháp quyền thừa kế theo pháp luật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.